Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Toàn tỉnh hiện có, 44.009 người là đối tượng người có công, trong đó, người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: 69; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945: 94; Liệt sĩ: 12.804; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 2.032 (còn sống 49 mẹ); Anh hùng lực lượng vũ trang: 03; Thương binh: 4.985; Bệnh binh: 2.533; Người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày: 3.445; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế: 14.316; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học: 937; Người có công giúp đỡ cách mạng: 2.860.
Hiện nay, có 10.843 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài số đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, một số đối tượng là người có công và thân nhân liệt sĩ được hưởng các chế độ khác theo quy định như: trợ cấp một lần, trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, trợ cấp người phục vụ, bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, hỗ trợ cải thiện nhà ở, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo.
Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ấy đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tri ân những hy sinh, mất mát của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.Thấm nhuần đạo lý đó, những năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như vận động toàn dân xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách gặp khó khăn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phụng dưỡng cha, mẹ liệt sĩ già yếu, neo đơn,…Những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh như: vấn đề xác nhận liệt sĩ, thương binh; chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; chính sách chăm sóc sức khoẻ, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng người có công với cách mạng… được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, giải quyết hiệu quả. Hàng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), tỉnh đã xuất chi ngân sách bình quân 300 triệu đồng để trợ cấp cho gia đình thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, sức khoẻ yếu, bệnh tật hiểm nghèo, sống cô đơn không nơi nương tựa đã được địa phương phân công các đoàn thể thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ, góp phần hạn chế những khó khăn cho các gia đình người có công với cách mạng.
74 năm đã trôi qua, ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. “Đền ơn đáp nghĩa” tri ân liệt sĩ, thương binh trở thành một phong trào thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền, đài liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chăm lo. Hệ thống cơ sở vật chất cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng được tăng cường. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên dần, chính sách hậu phương quân đội được thực hiện kịp thời.
Trong dịp này, các đồng chí lãnh đạo đã thành lập đoàn đi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, các gia đình người có công trên địa bàn huyện. Tại các nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn đều tổ chức lễ thắp nến tri ân - trở thành hoạt động thường niên tri ân các anh hùng liệt sĩ của đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đối với những chiến sĩ đã không tiếc xương máu vì sự tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc.
Những chàng trai, cô gái mãi mãi tuổi 20 hòa mình vào đất mẹ - họ đã chết cho Tổ quốc sống mãi. Những thương bệnh binh đã để lại một phần máu thịt khắp các chiến trường trở về với những vết thương mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức nhối. Những người Mẹ, người vợ chịu nhiều đau thương mất mát tự an lòng mình ngày các anh là mây sáng trời trong, đêm là trăng sao lấp lánh. Những hi sinh không thể nói hết bằng lời được truyền lại để lớp lớp các thế hệ hôm nay và mai sau tự hào, trân trọng, biết ơn, ngợi ca và ra sức dựng xây quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh./.