Nghị định 100/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khá cao. Đối với người điều khiển xe mô-tô lên tới 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng. Mức cao nhất đối với ô-tô là 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Tuy nhiên, tình trạng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn xảy ra nhiều (trong năm 2022 đã xử lý 1.999 trường hợp). Một số người dù biết rõ tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, biết rõ chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quá nồng độ cồn khi lái xe nhưng vẫn cố tình vi phạm vì cho rằng vẫn làm chủ được tay lái.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, góp phần phòng ngừa, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nắm rõ, tự giác chấp hành và vận động người thân chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên, người lao động và nhân dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông của mỗi người khi tham gia giao thông; quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Đặc biệt trong quá trình lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vi phạm: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; không giải quyết các trường hợp nhờ tác động, can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm; đồng thời, thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị của người vi phạm để xử lý theo quy định.