Một số suy nghĩ về những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị và nghiệp vụ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới

       Với chức năng giúp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra lĩnh vực Công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ của các trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh năm 2015 đã có nhiều cố gắng triển khai nhiệm vụ và đạt kết quả khá toàn diện.

       Trước hết, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (sau đây gọi chung là trung tâm) trong năm qua đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, bổ sung ngân sách để sửa chữa, nâng cấp phòng học, phòng làm việc, mua sắm trang thiết bị. Đến nay, hầu hết các trung tâm bồi dưỡng chính trị đã khang trang hơn, đa số được bố trí 02 phòng học; bộ đèn chiếu hiện đại…, một số trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo Quyết định số 671-QĐ/TU ngày 22/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án “Xây dựng mô hình tổ chức, cơ sở vật chất và trang thiết bị Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện” bảo đảm cho trung tâm bồi dưỡng chính trị hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phục vụ tốt cho giảng dạy, học tập.

       Việc triển khai mở lớp của các trung tâm được tiến hành theo kế hoạch: Ngay từ đầu năm các trung tâm đã tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được về công tác đào tạo, bồi dưỡng và bàn các biện pháp để mở các lớp trong năm tới theo chỉ tiêu kế hoạch giao; sự phối hợp của trung tâm với các đơn vị trên địa bàn ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; tỷ lệ học viên tham dự các lớp bồi dưỡng thường xuyên đạt trên 95%, tiêu biểu là Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình,… Đặc biệt, một số trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện (Đức Linh, thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi) đã phối hợp với đơn vị sở tại mở lớp cho đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng ngay tại các trường Trung học phổ thông, tạo thuận lợi cho học sinh đi học.

       Đội ngũ giảng viên kiêm chức - lực lượng rất quan trọng của các trung tâm tiếp tục tham gia tích cực, hiệu quả các bài, chuyên đề được phân công; nhiều đồng chí đã quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Hồ sơ, sổ sách phục vụ quản lý chuyên môn được duy trì khá nền nếp. Việc phối hợp của trung tâm với ban tuyên giáo cấp huyện trong việc tổ chức hội nghị báo cáo viên được duy trì đều đặn hàng tháng, quý, chất lượng thông tin được nâng lên một bước như: huyện Đức Linh, Tánh Linh, Tuy Phong và Hàm Thuận Bắc,...  

       Tính đến 25/12/2015, toàn tỉnh đã mở 881 lớp với 145.121 lượt học viên, đạt 123,4% kế hoạch giao, tăng 13,4% so với năm 2014. 10/10 trung tâm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, bảo đảm yêu cầu về tiến độ thời gian quy định. Đặc biệt các trung tâm đều đã mở được lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức lý luận và thực tiễn cho các đối tượng ở cơ sở (theo chương trình mới của Ban Tuyên giáo Trung ương). Các đơn vị hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch năm tiêu biểu như: trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, Tuy Phong, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết, …

       Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị của các trung tâm, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh vẫn còn có một số hạn chế và tồn tại: không ít trung tâm, thời gian mở lớp thường bị thay đổi so với dự kiến kế hoạch đầu năm; nội dung các bài (chuyên đề) của nhiều lớp bồi dưỡng bị đảo lộn không theo trật tự quy định; việc tổ chức các lớp cho học viên đi nghiên cứu thực tế còn rất ít. Nhiều trung tâm, việc quản lý giáo án của giảng viên kiêm chức chưa theo quy định; việc tổ chức dự giờ giảng của giảng viên để rút kinh nghiệm thực hiện chưa thường xuyên. Đa số trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố đến nay biên chế còn thiếu so với quy định; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa thường xuyên; có trung tâm thiếu lãnh đạo, giảng viên, song chậm được bổ sung; công tác phối hợp giữa Trung tâm với các Ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể, cơ quan liên quan có lúc chưa kịp thời, chưa nắm chắc đối tượng để xây dựng kế hoạch nội dung phù hợp, …

       Những hạn chế tồn tại trên đòi hỏi phải sớm có những biện pháp khắc phục thật hiệu quả trong thời gian tới.

       Năm 2016 - năm tổ chức và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Trên tinh thần đổi mới toàn diện và đồng bộ, công tác giáo dục lý luận chính trị tại các trung tâm và đảng ủy trực thuộc cần quan tâm và triển khai một số giải pháp chủ yếu sau:

       Một là, tiếp tục duy trì nền nếp dạy và học, cần phối hợp trung tâm với các đơn vị khi mở lớp chặt chẽ, hiệu quả hơn, quản lý tốt hơn nhằm bảo đảm học viên dự học đạt tỷ lệ cao. Phấn đấu trong năm có nhiều lớp của các trung tâm được tổ chức đi nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh.

       Hai là, nghiêm túc thực hiện quy chế dạy và học, đặc biệt các quy định về chế độ giờ dạy, dự giờ và rút kinh nghiệm bài giảng bảo đảm thực chất. Trọng tâm là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy trong mỗi chương trình, mỗi bài giảng. Mỗi giảng viên, kể cả giảng viên kiêm chức cần tự giác, tập trung cao trong nghiên cứu soạn giảng, học hỏi, rèn luyện phương pháp, kỹ năng giảng dạy để bài giảng ngày càng chất lượng hơn.

       Ba là, đẩy mạnh việc giao lưu giữa các trung tâm để các đồng chí giảng viên được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm qua các bài giảng.

       Năm 2016, hy vọng công tác giáo dục lý luận chính trị tại các trung tâm và đảng ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh tiếp tục đổi mới, gặt hái nhiều thành công hơn nữa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT