Nghề Y - “ Nghề đặc biệt”

       Trong sự nghiệp đẩy lùi bệnh tật để bảo vệ sức khỏe người dân, có biết bao cống hiến thầm lặng của đội ngũ những người làm nghề y. Cống hiến, sự tận tâm và hy sinh vì lý tưởng nghề mà họ theo đuổi sẽ chỉ là một đốm lửa nhỏ giữa thẳm sâu của cuộc sống náo nhiệt ồn ào.

       Muốn đốm lửa đó trở thành ngọn lửa thì phải có một động lực thổi vào lòng nhiệt thành của họ. Động lực đó không gì tốt hơn nếu những hy sinh, sự tận tâm, cống hiến của những người làm nghề y - được mọi người thấu hiểu và trân trọng.

       Nghề y cần được trân trọng và thấu hiểu vì nghề y là một “nghề đặc biệt”, đây cũng chính là lời khẳng định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình”.

       Ba chữ “nghề đặc biệt” mà cố Thủ tướng đã khẳng định cho ngành y có thể nói vừa là niềm tự hào, nhưng cũng là trách nhiệm cao quý mà mỗi người làm nghề y phải gánh vác, vì mỗi hành động dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình. Từ việc đơn giản như cho người bệnh uống thuốc, đến những ca mổ phức tạp, mọi hành động của người thầy thuốc nếu không được cân nhắc cẩn thận thì đều có thể gây ra cái chết cho bệnh nhân. Lê Hữu Trác, “Ông tổ” của ngành Y Việt Nam, đã từng nói: “Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, họa phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng”.

       Chính vì thế để làm được cái nghề đặc biệt này, người làm nghề y trước hết phải có sự hiểu biết sâu rộng và tấm lòng nhân ái, bởi vì nghề y luôn phải tiếp xúc với những con người đang rơi vào thế yếu đuối về thể chất lẫn tinh thần, họ đang sống gần hoặc trong ranh giới của sự sống và cái chết. Những người làm nghề y nói chung và những người thầy thuốc nói riêng phải biết chia sẻ niềm vui, nỗi khổ đau của người bệnh, biết động viên người bệnh cố gắng vượt qua thử thách bệnh tật. Và hơn hết, nếu không có tấm lòng, người thầy thuốc không thể chịu được mãi cái áp lực kinh khủng của chuyện một ý kiến, một quyết định của mình có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của một người.

        Chỉ có tấm lòng thôi vẫn chưa đủ, để cứu tính mạng con người trước “thần chết” người thầy thuốc cần lắm sự tinh thông về kiến thức y học. Tinh thông về kiến thức y học không phải người nào muốn làm thầy thuốc là có được, cũng không đơn thuần những kiến thức này chỉ học trong trường có được mà còn phải rèn luyện qua thực tiễn. Người thầy thuốc muốn tinh thông nghề nghiệp phải tự mình có ý thức học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao y thuật, rèn luyện y đức suốt đời để mỗi ngày một giỏi hơn, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề. Vì vậy, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đòi hỏi người làm nghề đặc biệt phải “từng trải” và có “kinh nghiệm” và hai yếu tố này người thầy thuốc phải tích lũy qua thực tế mới có được.

       Tuy thầm lặng nhưng nghề y lại rất nhạy cảm với dư luận của xã hội. Bao đóng góp cải thiện sức khỏe người bệnh sẽ lu mờ đi khi chỉ với một sự cố đáng tiếc hoặc bất khả kháng. Tác phẩm hoàn hảo và phức tạp nhất của tạo hóa là con người mà trong đó phần quý nhất chính là sức khỏe, do vậy mất mát lớn nhất của tạo hóa là con người và mất mát lớn nhất của con người là sức khỏe. Đối tượng của nghề là con người đang bị bệnh cho nên ngành y dễ đối diện với những phản ứng nhạy cảm từ người bệnh và cộng đồng bất luận tính xác thực và khó có được sự thông cảm khi xảy ra những sự cố trong nghề.

        Là nghề đặc biệt, đảm nhận công việc khó khăn phức tạp, vất vả, trách nhiệm nặng nề, luôn phải căng thẳng vì áp lực công việc và dư luận xã hội, cùng với sự nỗ lực cố gắng của ngành, sự phấn đấu của bản thân mỗi người làm công tác trong ngành y trên mọi vị trí công tác, luôn cần được sự đón nhận, sự đồng cảm, ủng hộ của xã hội một cách kịp thời, chia vui với những việc họ đã làm; rộng lòng, chia sẻ với những việc họ đang quyết tâm nỗ lực khắc phục, phấn đấu; công bằng, khách quan với những gì còn hạn chế, thiếu sót, chưa làm tròn của họ.

       Ba chữ “nghề đặc biệt” phải hiểu một cách toàn diện như thế để mỗi người công tác trong ngành y thấy được trách nhiệm và hiểu một cách sâu sắc rằng họ đang thực hành “nghề đặc biệt”. Hiểu để tự hào, hiểu để giữ thanh danh cho nghề nghiệp của mình, xứng đáng với sự tôn vinh của toàn xã hội. Ngược lại toàn xã hội cũng cần phải hiểu nội dung ba chữ “nghề đặc biệt” mà cố Thủ tướng đã khẳng định cho ngành y tế. Hiểu để động viên, đãi ngộ và tôn vinh họ một cách thích hợp với “nghề đặc biệt”./.


Các tin khác