Báo Thanh Niên (21/6/1925) – Tờ Báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập
Từ khi có báo “Thanh niên” – tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên - báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là, báo Thanh niên đã mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc Việt Nam lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp người làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh… Báo Thanh niên số 1, ra ngày 21/6/1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc đã đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà số 13 đường Văn Minh cũng chính là trụ sở Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Do ý nghĩa đó, ngày 5/02/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày 21/6 hằng năm làm Ngày báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Chưa bao giờ, báo chí cách mạng Việt Nam phát triển như hiện nay, cả về số lượng và chất lượng, về nội dung cũng như hình thức Từ vài chục cơ quan báo chí trong ngày đầu giành chính quyền, đến nay (theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2015), cả nước hiện có trên 849 cơ quan báo chí với hơn 1.016 ấn phẩm báo chí, 01 Hãng Thông tấn quốc gia, 02 Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia, 01 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài phát thanh, truyền hình ở các tỉnh, thành phố. Cả nước có 98 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1000 trang tin điện tử tổng hợp. Đội ngũ báo chí điện tử, báo chí trực tuyến phát triển mạnh mẽ cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người truy cập hàng ngày. Đội ngũ những người làm báo phát triển nhanh chóng, từ 300 người trong kháng chiến chống Pháp lên hơn 22.000 hội viên nhà báo hiện nay. Hệ thống báo chí hiện nay lớn mạnh hơn bao giờ hết với 4 loại hình báo chí: báo in, báo hình, báo phát thanh, báo điện tử. Sự cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục với khối lượng nguồn tin khổng lồ về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân. Trong những năm qua, đất nước đạt nhiều thành tựu nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Trong bối cảnh đó, báo chí đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Báo chí đã góp phần rất lớn tạo sự đồng thuận xã hội, phản ánh kịp thời những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhìn lại chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không tách rời với hoạt động báo chí, Người đã sớm thấy vũ khí đắc lực cho cách mạng là báo chí. Người làm báo là làm cách mạng, Người sử dụng triệt để, thành thạo, sắc bén báo chí vào làm phương tiện chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh đã gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp với báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời làm báo, Bác đã để lại cho chúng ta hơn 2000 tác phẩm báo chí, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện ký. Các tác phẩm của Người đã được đăng tải trên hàng trăm tờ báo, tạp chí ở trong và ngoài nước. Ở lĩnh vực nào, góc độ nào, phong cách báo chí của Hồ Chí Minh cũng toát lên sự sắc sảo, trung thực, tính chiến đấu và đầy ắp lòng vị tha, khoan dung. Bác Hồ chưa bao giờ gọi mình là nhà báo mà chỉ khiêm tốn nhận mình là người say mê báo chí. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Hồ Chí Minh coi mình là người có duyên nợ với báo chí, duyên nợ ấy chính là làm báo nhằm mục đích: “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, truyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại hệ thống quan điểm, tư tưởng về con người, cách mạng, thời đại, nhân dân, kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và di sản báo chí cũng không nằm ngoài tư tưởng của Người. Di sản đó cũng thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của một nhà báo cách mạng lớn. Đó chính là “tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam”. Người cũng là nhà báo cách mạng. Sự nghiệp báo chí của Người gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, mỗi nhà báo cần nắm vững, thấm nhuần tư tưởng báo chí cách mạng của Người, vận dụng sáng tạo vào hoạt động tác nghiệp của mình. Trong điều kiện hiện nay, để xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, những người làm báo phải xây dựng lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những người làm báo chúng ta cần thấy rõ vinh dự và trách nhiệm lớn lao của nghề làm báo – một nghề cao quý và thiêng liêng - để từ đó không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là đạo đức nhà báo; nêu cao tính tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, làm cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ hình thành và phát triển nhân cách, lối sống, đạo đức và tâm hồn của con người Việt Nam.