Vai trò của chủ nhiệm ở các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố

       Chất lượng, kết quả học tập của lớp học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nội dung chương trình, giáo viên, giáo trình, thái độ học tập của học viên... nhưng trong đó không thể không nói đến vai trò của người quản lý trực tiếp lớp học – Đó là Chủ nhiệm lớp. 

Quản lý lớp học là một quá trình tổ chức thực hiện được xem là vừa mang tính khoa học, lại vừa mang tính nghệ thuật. Nếu quản lý tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, đánh giá đúng thực chất kết quả việc học tập. Ngược lại quản lý không tốt thì kết quả học tập, chất lượng học tập sẽ được đánh giá không chính xác.

Chủ nhiệm lớp tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố có vai trò quan trọng trong việc tổ chức, theo dõi sĩ số, kết quả học tập... trong việc đánh giá đúng thực chất việc học tập, rèn luyện của học viên. Các lớp học mở tại trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố như: Sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, bồi dưỡng cấp ủy... thời gian dài thì 2 tháng, ngắn thì 5 ngày, 9 ngày...

Những lớp học nêu trên có nhiều đối tượng học viên khác nhau về tuổi tác, trình độ, nghề nghiệp... và đáng chú ý là số lượng học viên thường rất đông. Vì vậy quản lý sĩ số là sự tự giác của học viên, tạo cho học viên tâm lý học thoải mái, chứ không phải gò ép tạo cho học viên ý thức tổ chức, kỷ luật cao. Do vậy, chủ nhiệm lớp cần phải nghiêm túc, thận trọng, tế nhị để quản lý tốt lớp học, để học viên tín nhiệm và học tốt hơn.

Để quản lý lớp học có chất lượng, đạt hiệu quả cao, người chủ nhiệm lớp cần làm tốt các vấn đề sau:

Đơn vị tổ chức lớp học cần có thông báo chiêu sinh gởi đến các chi đảng bộ cơ sở trực thuộc các huyện, thị ủy, thành ủy trước chi bộ họp 10 ngày để chi bộ họp xét, chọn nguồn. Khi đủ số lượng một lớp học thì gửi thông báo nhập học. Để chuẩn bị tốt một lớp học mới, chủ nhiệm lớp làm một số động tác chủ yếu như:

Muốn tổ chức buổi khai giảng được tốt thì công việc đầu tiên chuẩn bị phần nội dung, chương trình khai giảng, nội quy, quy chế lớp học... Trước khi khai giảng, chủ nhiệm lớp cần lập sơ đồ nhưng để trống (chưa điền tên). Sơ đồ tổ được học viên tự điền tên vào sau khai giảng. Lập danh sách chia tổ, chỉ định ban cán sự và yêu cầu học viên ngồi theo vị trí tổ đã quy định. Khi khai giảng xong, sinh hoạt lớp giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học viên thực hiện nội quy, quy chế cho nghiêm túc. Lập danh sách tự khai (trích ngang) để học viên tự ghi tên họ, năm sinh, trình độ, tuổi tác, nghiệp vụ chuyên môn, đơn vị công tác... nhằm chủ nhiệm quản lý được tốt. Vì không ít trường hợp trích ngang cơ sở gửi lên sai năm sinh, chữ lót, nơi sinh... Nên học viên tự ghi là chính xác nhất. Lớp trưởng, tổ trưởng kiểm tra sĩ số của tổ, lớp thông qua sơ đồ. Tuy nhiên, dù có ban cán sự lớp, nhưng giáo viên chủ nhiệm phải bám sát lớp học, thường xuyên gần gũi học viên, giáo viên đứng lớp để có những tác động kịp thời.

Chủ nhiệm lớp phải xác định được đối tượng, nhu cầu kiến thức học viên và am hiểu nội dung các bài giảng để thảo luận được tốt. Thảo luận là làm sáng tỏ vấn đề nhưng không nhất thiết phải nói lại bài giảng mà cần nêu câu hỏi để học viên suy luận, đặt vấn đề và tranh luận để đi đến thống nhất cao nội dung các bài giảng. Làm sao học viên có ấn tượng nhớ lâu và áp dụng được vào thực tiễn công tác.

Để buổi thảo luận có kết quả, nhất thiết phải cho câu hỏi trước ngày thảo luận để học viên có sự chuẩn bị tốt nội dung thảo luận. Trong thảo luận cần chia tổ khoảng 15–20 học viên, để có ý kiến. Cuối buổi thảo luận nên cho học viên viết bài thu hoạch ngắn nhằm nắm bắt nhận thức học viên qua khóa học đồng thời dựa vào bài thu hoạch để kiểm tra sĩ số. Lý do buổi thảo luận học viên không ngồi theo sơ đồ. Viết thu hoạch còn giúp chủ nhiệm đánh giá được nhận thức học viên và việc khen thưởng được chính xác, không nhầm lẫn.

       Trước buổi kiểm tra, ban cán sự lớp và chủ nhiệm lớp họp xem xét học viên học tập, chấp hành nội quy, quy chế. Công bố danh sách học viên được dự kiểm tra và học viên vi phạm nội quy không được kiểm tra. Học viên dự kiểm tra cần nắm rõ số ký danh, thời gian, địa điểm kiểm tra...

       Học viên dự kiểm tra ngồi theo số ký danh, làm bài xong học viên ngồi tại chỗ, hết giờ cán bộ coi thi thu bài. Như vậy để đảm bảo trật tự buổi kiểm tra, cán bộ coi kiểm tra dễ quản lý. Đồng thời khi có điểm giáo viên vào sổ điểm sẽ nhanh và không bị nhầm lẫn nhờ số ký danh.

       Trong quá trình tự quản có khi ban cán sự lớp không làm hết trách nhiệm, quản lý sĩ số chưa tốt thì chủ nhiệm lớp có thể điểm danh đột xuất cuối giờ. Tuy nhiên hạn chế tối đa, không nên mỗi chuyện, mỗi lên bục giảng thông báo, nhắc nhở, điểm danh. Vì đây là lớp học người lớn tuổi, thời gian ít và cần phát huy sự tự giác của học viên.

       Phân công học viên tiêu biểu (học viên đạt kết quả được khen hoặc lớp trưởng) chuẩn bị nội dung phát biểu cảm tưởng nhân buổi lễ bế giảng lớp học. Cần phân công trước ngày bế giảng để học viên chuẩn bị tốt nội dung.

       Ngoài những công việc trên giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp với thủ quỹ, văn phòng để chuẩn bị các khâu: chi tiền ăn, viết chứng nhận cho học viên, quyết định khen thưởng cho học viên có thành tích, chuẩn bị chương trình nội dung buổi lễ bế giảng một cách chu đáo và thận trọng.

       Với những giải pháp và kinh nghiệm nêu trên, Người viết mong muốn góp phần bổ sung kinh nghiệm nhằm hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm để công tác quản lý, giảng dạy đạt hiệu quả cao hơn tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.                                                            


Các tin khác

TIN NỔI BẬT