Định hướng bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020

  • /
  • 10.10.2011 - 14:53

Văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận cấu thành của văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, cùng với xu thế hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội, những luồng văn hóa khác nhau nhanh chóng thâm nhập vào đời sống các vùng dân tộc thiểu số, tác động mạnh đến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh đó, văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

          Quá trình toàn cầu hóa đã tạo cơ hội để chia sẻ và tiếp biến các giá trị, các lối sống khác nhau. Sắc thái văn hóa, bản sắc văn hóa và biến đổi văn hóa của một tộc người hay một vùng văn hóa không chỉ giản đơn là sự đo đếm hay thống kê chi tiết từng di sản truyền thống có được mà nhiều khi là sự cảm nhận. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hội nhập đang diễn ra một cách mạnh mẽ thì cả hai vấn đề thống nhất trong đa dạng truyền thống và hiện đại đối với văn hóa các dân tộc thiểu số là vấn đề cấp thiết. Quy luật của văn hóa cũng cho thấy, ý tưởng sáng tạo là của cá nhân nhưng lưu giữ, chấp nhận nó lại thuộc về cộng đồng. Theo nhiều chuyên gia, đối với văn hóa các dân tộc thiểu số, “xu hướng chối bỏ” các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, hay sự đồng hóa tự nhiên theo “Kinh hóa” là một thực trạng khó tránh trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Sự đan xen của giá trị, bản sắc văn hóa với sự mất mát vốn di sản văn hóa ở các dân tộc thiểu số đang diễn ra từng ngày, từng giờ trong nếp nghĩ, lối sống, ứng xử, đặc biệt là ở các dân tộc thiểu số bản địa. Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất đa dạng, phong phú nhưng chưa thực sự được quan tâm, đầu tư, bảo tồn, phát huy hiệu quả. Sự đầu tư thời gian qua còn chưa đồng bộ, rộng khắp. Nhiều di sản văn hóa của các dân tộc chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản, thống nhất, chưa được tôn vinh xứng đáng. Có những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang đứng trước nguy cơ mai một một cách nhanh chóng cần phải gấp rút khảo sát, nghiên cứu để lập hồ sơ bảo tồn như nghệ thuật diễn xướng Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; kho sách cổ của dân tộc Dao. Hàng nghìn làng truyền thống với các giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ biến mất cần phải nhanh chóng được hướng dẫn, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại…

             Ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” với tổng kinh phí dự kiến là 1.512 tỷ đồng. Với những định hướng lớn sau đây:          
- Bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, các dân tộc thiểu số tại các khu vực tái định cư dự án thủy điện liên thông, kết nối toàn diện với các chương trình, dự án có liên quan.
            - Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo.
            - Chủ thể văn hóa, cộng đồng kế thừa và thực hành văn hóa có một vai trò to lớn và là nhân tố quyết định trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.
            - Coi trọng và tổ chức thực hiện các chương trình về bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số.
             - Ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các dân tộc thiểu số; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền.
             - Đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống, du lịch cộng đồng kết hợp với xóa đói giảm nghèo.
             - Phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, thông tin phù hợp. Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công cụ phát thanh, truyền hình phù hợp vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
             - Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng động, thực sự phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức các hoạt động cộng đồng, phát huy hiệu quả thực sự của các thiết chế văn hóa.
            - Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa cấp địa phương, vùng, miền và toàn quốc.
            - Xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.
            Để hiện thực hoá các định hướng đề ra, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp đột phá là đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở các cấp huyện, tỉnh; gắn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở địa phương; bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.   
                                                                 B.H [Nguồn: TTXVN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch].

  • |
  • 899
  • |

Các tin khác