Ban CHQS huyện Phú Quý thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về biển, đảo

       Đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý về hướng Đông Đông Nam, Phú Quý có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN), biển đảo của tỉnh Bình Thuận và Quân khu 7. Những năm qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển, như khai thác, chế biến, nuôi trồng hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá; đồng thời triển khai nhiều chủ trương, biện pháp đồng bộ củng cố QP-AN. Trong đó, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẳn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo vệ bình yên nơi hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

       Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về biển, đảo luôn được Đảng ủy - Ban CHQS huyện quan tâm. Đảng ủy - Ban CHQS huyện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành; trong đó phối hợp chặt chẽ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Phú Quý, Phòng Tư pháp, Ban Tuyên giáo huyện ủy đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn; đặc biệt chú ý tuyên truyền cho chủ các phương tiện tàu, thuyền làm nghề đánh bắt xa bờ. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Công ước Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam; Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 31/10/2003 về quy chế khu vực biên giới biển; Nghị định 67/CP; Quyết định 48/CP; Chỉ thị 01/CT-TTg và Chỉ thị 689/CT-TTg và các văn bản liên quan đến hoạt động khai thác hải sản cho thuyền trưởng và chủ phương tiện. Qua đó, nhân dân đã nắm hiểu, nêu cao trách nhiệm trong bảo vệ an ninh, trật tự, chấp hành thực hiện theo quy định không vi phạm đánh bắt vùng biển các nước; đồng thời, nâng cao cảnh giác, ý thức được việc bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo; không vi phạm vùng biển các nước tiếp giáp khi đánh bắt hải sản; sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam; kịp thời phát hiện báo cáo cho Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng về các hiện tượng, vụ việc liên quan đến an ninh trật tự trên vùng biển; phục vụ tốt cho công tác phòng ngừa và đấu tranh bảo vệ vững chắc an ninh vùng biển và khu vực biên giới biển, đảo của huyện, tỉnh.

       Ban CHQS huyện đã có nhiều đổi mới từ nội dung, phương pháp đến công tác quản lý, điều hành huấn luyện, theo hướng: nâng cao chất lượng toàn diện, năng lực tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành, tính quyết đoán và khả năng thích ứng nhanh trong xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm. Đồng thời trong quá trình huấn luyện, luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn để huấn luyện cho các đối tượng sát với yêu cầu nhiệm vụ như: phối hợp với Biên phòng, rađa Hải Quân trong huấn luyện dân quân biển, phối hợp đặc công nước trong huấn luyện bơi cho các đơn vị bộ đội thường trực, phối hợp với rađa PKKQ trong huấn luyện pháo phòng không...Hàng năm Ban CHQS huyện đều tổ chức các cuộc diễn tập, trong đó đều có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện chiến đấu của bộ đội không ngừng được nâng cao, khả năng cơ động, phối hợp xử lý tình huống của các lực lượng có chuyển biến rõ rệt, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

       Để thực hiện tốt công tác phối hợp các lực lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển, đảo; trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban CHQS huyện quyết tâm thực hiện tốt một số nội dung:

       Chỉ đạo các đơn vị quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác quân sự, quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết 765-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo, làm cơ sở để triển khai thực hiện;

       Hằng năm, căn cứ vào chỉ lệnh huấn luyện của Tư lệnh Quân khu, mệnh lệnh huấn luyện của Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện tổ chức quán triệt đầy đủ, nghiêm túc cho các đối tượng. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy các cấp, căn cứ vào tình hình cụ thể ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; trong đó, xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, mức độ yêu cầu, các khâu yếu, mặt yếu và giải pháp khắc phục công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu;

       Đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện được chủ động thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, trên cơ sở nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi cao;

       Thường xuyên chăm lo xây dựng cấp ủy các cấp trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây đựng Đảng; gắn xây dựng cấp ủy với kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp; chú trọng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy viên phụ trách các mặt công tác, nâng cao khả năng chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị trong suốt quá trình huấn luyện.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT