Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2019). Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019)

Các cơ quan Dân - Chính - Đảng, An ninh, Quân sự tại căn cứ Sa Lôn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 

1. Trong các địa điểm Tỉnh ủy Bình Thuận đứng chân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi ở lâu, để lại dấu ấn, sự kiện quan trọng nổi bật có căn cứ Sa lôn và các vùng phụ cận (nay thuộc xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc). Nơi đây, Tỉnh ủy đến ở, rồi chuyển đi nơi khác nhiều lần, với một số địa điểm: A ra, buôn Quao, buôn Ca Liên, Gò Nổi, Trũng Tây, nhà Tam Cấp, suối Chín Khúc…Nhiều cơ quan, đơn vị được thành lập như: đơn vị 2/9 - lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Bình Thuận, Xưởng quân giới Cao Thắng, Ban An ninh, Trại giam, Trường Đảng Trần Phú; một số cơ quan đứng chân tại đây, hoạt động một thời gian dài như: Ban Thông tin (điện đài), Ban Kinh tài, Xưởng dệt, Ban Dân y, Trạm F5 (cơ quan phát hành).

2. Sưu tầm, tham khảo qua các tài liệu, hồi ký, tự thuật của các đồng chí từng công tác tại Tỉnh ủy Bình Thuận ở Sa lôn, các sách truyền thống lịch sử của các đơn vị Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bệnh viện tỉnh, Ngành in Bình Thuận…có thể hình dung được một số cơ quan, ban ngành, bộ phận được ra đời, hoạt động tại đây.

2.1. Tỉnh ủy Bình Thuận đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ gồm 07 đồng chí, do đồng chí Trần Lê – Bí thư liên tỉnh III kiêm Bí thư Tỉnh ủy (sau đó, đồng chí Võ Dân được phân công làm Bí thư thay đồng chí Trần Lê; đến tháng 5/1958, đồng chí Võ Dân bệnh mất, đồng chí Nguyễn Gia Tú phụ trách Tỉnh ủy). Từ tháng 3/1955, sau hội nghị mở rộng tại Sa lôn, hệ thống thông tin liên lạc từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và đi vào hoạt động. Đến tháng 7/1955, khi Thường vụ Tỉnh ủy chuyển về khu Lê Hồng Phong thì các bộ phận điện đài, cơ yếu và in ấn vẫn đứng chân tại Sa lôn (tháng 10/1955, Thường vụ Tỉnh ủy chuyển về lại Sa lôn).

Văn phòng Tỉnh ủy do đồng chí Tự (Lai) phụ trách (tiếp theo là các đồng chí Hoàng Từ, Nguyễn Văn Tiềm, Võ Khánh Tồn, Hoàng Minh (2 lần), Nguyễn Như, Ngô Triều Sơn, Phan Nga); quản trị do đồng chí Hoàng Từ phụ trách. Văn phòng Tỉnh ủy có các bộ phận: điện đài, cơ yếu, in ấn thông tin, y tá chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cơ quan và một số chiến sĩ.  

Sau khi củng cố tổ chức, Tỉnh ủy phát hành tờ báo “Hòa bình - Thống nhất - Độc lập - Dân chủ”, sau đó đổi tên thành “Hòa bình - Thống nhất” do đồng chí Trần Lê trực tiếp chỉ đạo; đồng chí Trương Minh Quốc (Tô Quyên) –cán bộ văn hóa văn nghệ của lực lượng vũ trang biên tập nội dung. Thực hiện in, xuất bản tờ báo là những đồng chí từng làm việc này trong kháng chiến chống Pháp như: Lê Ngân, Nguyễn Ngọc Châu, Phan Nga. Tờ báo phát hành đều kỳ từ năm 1956 đến năm 1958 thì đình bản. Tỉnh ủy chỉ đạo in các tài liệu tuyên truyền loại nhỏ, phục vụ yêu cầu công tác được thuận lợi. 

Ngày 02/9/1959, Tỉnh ủy thành lập lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, lấy tên là đơn vị 2/9 . 

Cuối năm 1961, Tỉnh ủy lấy mật danh là “Bình Nam”, lập bộ phận trung chuyển (trạm F5) có nhiệm vụ nhận công văn, thư từ do giao liên từ tổng hành lang đưa vào để liên lạc Văn phòng Tỉnh ủy ra nhận. Việc đưa đón khách cũng quy định như vậy, giao liên hành lang không được trực tiếp vào Văn phòng Tỉnh ủy.

Tháng 8/1961, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị bàn kế hoạch công tác những tháng cuối năm và củng cố, thành lập các ban, bộ phận ngành chuyên môn giúp Tỉnh ủy trong công tác. Từ đây, hệ thống các tổ chức chính trị, vũ trang, mặt trận dân tộc giải phóng, dân binh vận…được hình thành và phát triển.    

2.2. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy những năm đầu kháng chiến chống Mỹ do đồng chí Trần Lê – Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách, chưa hình thành tổ chức độc lập như trong kháng chiến chống Pháp. Từ tháng 6/1957 đến năm 1960 do đồng chí Hoàng Từ phụ trách. Đến tháng 8/1961, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được tái lập với tên gọi Ban Tuyên - Văn - Giáo (Tuyên truyền - Văn nghệ - Giáo dục, một thời gian sau đổi lại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy). Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Như Khuôn - Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách Ban và kiêm phụ trách các Ban Binh vận, Dân vận. Đến năm 1962, đồng chí Trần Như Khuôn chuyển về khu VI, đồng chí Nguyễn Văn Tiềm - Tỉnh ủy viên làm Trưởng Ban. Cuối năm 1962, đồng chí Nguyễn Tiềm ra miền Bắc chữa bệnh, đồng chí Hoàng Từ - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Tổ chức - Tuyên huấn. Các cơ quan trực thuộc Ban Tuyên - Văn - Giáo gồm có: trường Đảng tỉnh, Đoàn Văn công thống nhất và Nhà in Giải phóng.

Trường Đảng tỉnh được thành lập vào cuối năm 1962, bên bờ sông Sa lôn, lấy tên là trường Trần Phú. Lúc mới thành lập, bộ máy lãnh đạo của trường gồm 8 đồng chí. Về giảng viên thường trực của trường có 03 đồng chí: Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thành, Hồ Phú Diên (về trường năm 1964) và mời một số đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy như Lê Văn Hiền, Nguyễn Gia Tú, Lê Văn Triều. Cơ sở vật chất khi trường mới thành lập gồm nhà hiệu bộ, nhà bếp, hội trường và 3 cái kho (là những nhà sàn nhỏ) đựng muối, lương thực và tài liệu. Lúc đầu mái lợp bằng tranh, lá lú, sau đó lợp bằng lá trung quân để chống cháy.  

Đoàn Văn công thống nhất tỉnh Bình Thuận được thành lập vào đầu năm 1965, do đồng chí Trần Hoa Phấn làm trưởng đoàn. Tiền thân của đoàn là Đội Văn nghệ huyện Di Linh được thành lập năm 1961, hoạt động được một thời gian thì giải thể. Tháng 10/1962, từ một số diễn viên cũ, bổ sung thêm người, thành lập lại Đội Tuyên truyền thống nhất gồm 13 diễn viên, do Tỉnh đội quản lý. Từ năm 1963 đến năm 1965, đội được Khu VI tăng cường thêm diễn văn có năng khiếu. Năm 1965, đội đổi tên thành Đoàn Văn công thống nhất tỉnh Bình Thuận.  

Nhà in Giải phóng Bình Thuận, thời gian đầu là bộ phận in ấn do đồng chí Lê Ngân phụ trách, chủ yếu in tài liệu bằng các hình thức như: đánh máy, in rô - nê - ô…phục vụ cơ quan lãnh đạo. Từ năm 1960 trở đi, vùng giải phóng được mở rộng, Tỉnh ủy chủ trương xây dựng bộ phận in chữ chì (ti - pô). Năm 1962, bộ phận in với hai phương pháp in song hành: chữ chì và rô - nê - ô được mang tên Nhà in Giải phóng Bình Thuận, đã cho ra đời một khối lượng lớn tài liệu tuyên truyền, nội dung phong phú, hình thức đẹp phục vụ đắc lực cho công tác tư tưởng của Tỉnh ủy và Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. 

2.3. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, những năm đầu kháng chiến chống Mỹ được gọi là Ban Đảng vụ. Tháng 8/1954, Ban Đảng vụ do đồng chí Nguyễn Ngọc Chước chuyên trách, đến năm 1956 do đồng chí Hoàng Từ phụ trách. Từ năm 1961 trở đi, bộ máy Ban Tổ chức Tỉnh ủy gồm các đồng chí Bình (Bình Thùng), Chương, Trương Vũ Đức, Phan Nga, Lê Khắc Thành. Nhiệm vụ trọng tâm của công tác Tổ chức Đảng thời gian này được xác định là củng cố, phát triển cơ sở Đảng, Đoàn đều khắp, vừa nâng nhanh số lượng, vừa đảm bảo chất lượng; gấp rút đào tạo cán bộ, có kế hoạch bồi dưỡng chính trị tại chức cho cán bộ có trình độ từ huyện ủy trở lên và quản lý chặt chẽ cán bộ từ trên xuống dưới…

2.4. Ban Hậu cần được thành lập vào tháng 2/1961, trực thuộc Tỉnh ủy, nhằm bảo đảm cung cấp hậu cần cho lực lượng vũ trang và cơ quan Dân Chính Đảng. Ban hậu cần có phiên hiệu 115 do đồng chí Mai Hân phụ trách. Quân số có 23 người được tổ chức thành 3 bộ phận: văn phòng (gồm cả bộ phận máy may), sản xuất (chuyên phát dọn rẫy trỉa bắp, trồng mì), lương thực và vận tải.

2.5. Ban Quân sự tỉnh do Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định một số cán bộ quân sự thành lập vào tháng 3/1961. Đồng chí Phạm Hoài Chương làm trưởng ban phụ trách chung và chính trị; đồng chí Nguyễn Thanh Đức - Ủy viên phụ trách tham mưu; đồng chí Nguyễn Hữu Ích - Ủy viên phụ trách hậu cần. Đến tháng 7/1961, đồng chí Lê Văn Hiền - Bí thư Tỉnh ủy kiêm chức Trưởng Ban Quân sự, đồng chí Phạm Hoài Chương làm Phó Ban phụ trách chính trị. Sau khi được củng cố kiện toàn, Ban Quân sự tỉnh tách khỏi Tỉnh ủy, thành cơ quan quân sự độc lập chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, mang mật danh Nam Anh, phiên hiệu 400.

2.6. Xưởng quân giới tỉnh Bình Thuận (xưởng quân giới Cao Thắng) được thành lập vào tháng 9/1961, có 05 đồng chí gồm: Nguyễn Hồng - phụ trách chung; Phan Ngọc Tự - chính trị viên kiêm Bí thư chi bộ, phụ trách hóa chất; Nguyễn Văn Phiên – cán bộ cơ khí sửa chữa; Tô Tấn Khanh và Nguyễn Việt Hữu – thợ mộc. Nhiệm vụ chủ yếu là vừa sửa chữa vừa sưu tầm, mua sắm dụng cụ, nguyên vật liệu và sản xuất tự túc để bảo đảm đời sống. Đến tháng 10/1962, xưởng bắt đầu sản xuất thủ pháo, bộc phá và mìn để phục vụ các trận đánh của lực lượng vũ trang tỉnh. Ngoài ra, còn sản xuất nông cụ như rựa, cuốc, xà beng, lưỡi cày, thùng nước, thau, chậu, muỗng, vá…để phục vụ tăng gia sản xuất tự túc của từng đơn vị và sinh hoạt đời sống.  

2.7. Năm 1963, Ban Dân quân y tỉnh được thành lập với một số cán bộ tăng cường từ miền Bắc vào và đào tạo tại chỗ. Thời gian này, bệnh xá X1, trường y tá và đội phẫu cũng được thành lập. Bệnh xá X1 có khả năng tiếp nhận và giải quyết được 30 - 40 thương, bệnh binh mỗi ngày. Đầu năm 1965, Ban Dân quân y tỉnh chia tách thành hai: Dân y và Quân y. Sự phân chia này biểu hiện sự lớn mạnh và ngày càng phát triển về tổ chức. Tỉnh ủy thành lập Ban Y tế để chỉ đạo chung, quản lý, điều hành Dân y và Quân y.

2.8. Ban An ninh tỉnh Bình Thuận được Thường vụ Tỉnh ủy dự kiến thành lập vào cuối năm 1961 để chuyên trách làm công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ vùng căn cứ giải phóng mới hình thành và đấu tranh khai thác xử lý số tề, điệp bị bắt. Tháng 6/1962, lực lượng tại chỗ và bổ sung từ miền Bắc vào đã hội đủ điều kiện để Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban An ninh tỉnh (tách khỏi Văn phòng Tỉnh ủy) và cử đồng chí Nguyễn Gia Tú – Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng Ban. Tháng 7/1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cử đồng chí Trần Văn Lương làm Phó trưởng Ban An ninh. Lúc mới thành lập, Ban An ninh được tổ chức thành hai bộ phận: trại giam và bảo vệ (gồm bảo vệ Tỉnh ủy và bảo vệ lực lượng vũ trang). Đến năm 1968, Ban An ninh tỉnh đã hình thành các bộ phận: bảo vệ chính trị, trại giam và trinh sát vũ trang.

3. Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, các cơ quan Dân - Chính - Đảng, An ninh, Quân sự được thành lập trong những tháng ngày khó khăn, gian khổ góp phần công sức vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một số cơ quan, đơn vị đã được Đảng và Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý. Phát huy truyền thống trong kháng chiến, các cơ quan Dân - Chính - Đảng, An ninh, Quân sự tiếp tục nổ lực vược qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, đạt được những thành tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.  


Các tin khác