Bệnh tay - chân - miệng

  • /
  • 6.10.2011 - 16:19

Bệnh tay - chân - miệng là bệnh do siêu vi trùng đường ruột, thuộc nhóm virút Coxsackievirus A16 (CA16) và virút Enterovirus 71 (EV71). Với biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt (như: niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối) trong khi các virút khác gây bệnh nhẹ ở trẻ em thì virút EV71 thường gây bệnh nặng và tử vong.

          Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Bệnh tay - chân - miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá với nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.      

Hình ảnh phát bệnh chân - tay - miệng

            Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, bệnh này có xu hướng gia tăng mạnh và gây ra các vụ dịch lớn, như ở Malaixia (năm 1997), Xingapo (năm 2000); đặc biệt (năm 1998) tại Đài Loan dịch xảy ra khiến hơn 100.000 người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của 78 người. Năm 2008, chỉ trong vòng 5 tháng, dịch bệnh này cũng “làm mưa làm gió” ở 5 tỉnh của Trung Quốc với hơn 61.000 ca mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, từ năm 2008 - 2010, mỗi năm ghi nhận trên 10.000 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh này lại diễn biến rất phức tạp, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 20.000 trường hợp mắc, 50/56 trường hợp tử vong tập trung ở khu vực phía Nam. Thống kê một số năm gần đây cho thấy từ tháng 9 tới tháng 11 là thời điểm có số ca mắc tăng cao. Riêng tỉnh Bình Thuận theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 464 ca mắc bệnh tay - chân - miệng. Tại thành phố Phan Thiết đã có 3 trường mẫu giáo phải cho học sinh nghỉ học. 
            Ngày 19/7/2011 Bộ Y tế ban hành Quyết định 2554/QĐ-BYT về cách phòng ngừa và điều trị hỗ trợ.
            - Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
            - Vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tránh kích thích.
            - Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Cần tái khám ngay khi có dấu hiệu sốt cao ≥ 39o­­C; thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật, hôn mê....
Bác sĩ đang khám bệnh nhân mắc bệnh chân - tay - miệng
             Bộ Y tế cũng khuyến cáo, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu nên người dân cần chú ý vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác; cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
                                                                            
                                                                       B.H

  • |
  • 728
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ