Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi, một số cán bộ, việc học tập lý luận chính trị có biểu hiện bị sao nhãng, coi thường.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh?
Đối với công tác xây dựng Đảng, đối với việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, vai trò của lý luận là vô cùng quan trọng. Trong tác phẩm “Làm gì”, V.I. Lênin nêu luận điểm nổi tiếng: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”, “Chỉ Đảng nào được một lý luận Tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”. Kế thừa và phát triển quan điểm đó, trong sự nghiệp cách mạng và trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đặc biệt coi trong vai trò của lý luận.
Trong “Sửa đổi lối làm việc”, ngay ở phần đầu của tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “Phải sửa đổi lề lối làm việc của Đảng”, thông qua việc mỗi đảng viên phải sửa chữa những khuyết điểm của mình và của đồng chí. Người khẳng định, khuyết điểm có nhiều thứ nhưng đầu tiên và nguy hiểm nhất là “Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan”, “Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng” vậy bệnh chủ quan do đâu mà có? Nguyên nhân gây ra bệnh chủ quan được chỉ rõ, đó là do “kém lý luận , hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của lý luận. Theo Người, “lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”. Lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó soi đường cho thực tiễn. “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Nếu không chú tâm nghiên cứu lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không vững lý luận chính trị sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Suy thoái đó diễn ra mà không ngăn chặn sẽ dẫn đến coi thường lý luận, không đủ sức bảo vệ chính mình và dễ tiếp thu tư tưởng trái chiều. Vì thế, việc học tập lý luận chính trị có vai trò hết sức quan trọng; là công việc cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài của mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên.
Khi phân tích những nguyên nhân dẫn đến bệnh chủ quan của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những hạn chế trong học tập và nghiên cứu lý luận trong việc gắn lý luận với thực tiễn. Những hạn chế đó được chia làm thành 3 nhóm:
- Thứ nhất, kém lý luận. Đây là bệnh thuộc về trình độ nhận thức, biểu hiện của sự thiếu học tập lý luận. Cán bộ, đảng viên kém lý luận thì trình độ nhận thức không đáp ứng được yêu cầu mới của cách mạng, do đó, bị lạc hậu so với sự phát triển. Những cán bộ, đảng viên này thiếu tính khoa học trong công tác; khi gặp khó khăn trở ngại thì học "lúng túng" không biết nên làm thế nào cho đúng.
- Thứ hai, khinh lý luận. Biểu hiện này thường gặp ở những người cán bộ, đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Thực tế, đây là những cán bộ thường đã nhiều tuổi, có nhiều năm công tác, nhưng do ngại học hỏi, do coi thường lý luận, họ cho rằng giải quyết công việc chỉ cần trên kinh nghiệm là đủ. Người chỉ rõ: “Kinh nghiệm của họ tuy tốt nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi… Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”.
- Thứ ba, lý luận suông. Biểu hiện này thường xảy ra ở những người tri thức, những cán bộ trẻ, được đào tạo nhưng chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Việc nghiên cứu lý luận chỉ dừng lại trên sách vở. Nó cũng nguy hiểm không khác gì kém lý luận. “Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách. Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây thế không phải là biết lý luận”. Bởi “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”.
Việc chưa coi trọng học tập “lý luận chính trị” bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chủ yếu nhất là từ chính cá nhân người học, như: Người học không xác định được mục đích đúng đắn của việc học tập lý luận chính trị, học không vì mục đích tự thân mà vì lý do thăng tiến; học để lấy bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn…
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan từ phía người học nêu trên, một nguyên nhân quan trọng khác là do những hạn chế trong công tác giáo dục lý luận.
Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đã tổng kết: "Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới, nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên... Quản lý đào tạo còn có mặt yếu kém, nhất là quản lý tự học của học viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo còn có mặt hạn chế".
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra”.
Để nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi phải có những giải pháp kiên quyết và đồng bộ, cả từ phía người học và từ công tác giáo dục lý luận chính trị. Tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Một là, phải xác định đúng vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị.
Theo Hồ Chí Minh, yếu tố đầu tiên quyết định hiệu quả của công tác huấn luyện lý luận là phải xác định đúng vai trò của công tác huấn luyện. Người khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Huấn luyện cán bộ có nhiều nội dung: huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện lý luận, chính trị, huấn luyện văn hóa,... trong đó, huấn luyện lý luận, chính trị là căn bản của công tác tư tưởng.
Hai là, đổi mới nội dung giáo dục lý luận chính trị theo hướng lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của người học.
Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Đánh giá về những hạn chế của công tác huấn luyện, Người nêu rõ: “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được,... lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau”. Trong phần cuối tác phẩm, nói về việc chữa chứng bệnh ba hoa, Hồ Chí Minh đặc biệt phê phán bệnh “nói mênh mông”: “Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến”.
Đây cũng là hạn chế rất lớn trong giáo dục lý luận hiện nay. Nội dung chương trình học, các giáo trình thường nặng về lý luận và những kiến thức tổng quát, vĩ mô. Phần nói về tình hình địa phương, các kỹ năng giải quyết công việc thực tế thường chiếm dung lượng nhỏ, nội dung sơ sài, thậm chí cách giải quyết còn giáo điều, cứng nhắc, không phù họp với thực tiễn. Giảng viên vì hạn chế về kiến thức thực tiễn nên cũng chỉ giảng sâu phần lý luận (giảng cái mình có) mà không đi sâu phần áp dụng thực tiễn (cái học viên cần).
Để khắc phục hạn chế này, Hồ Chí Minh yêu cầu: “học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay”.
Trên cơ sở quan điểm của Người, từ thực tiễn hiện nay, công tác giáo dục lý luận chính trị cần đổi mới về nội dung theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với trình độ và nhu cầu của người học. Cụ thể: Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cần tăng cường phần nội dung về tình hình, nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương; tăng phần kiến thức về kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tế trong các lĩnh vực công tác. Giảm những nội dung lý luận chung, trừu tượng, trùng lặp trong nhiều chương trình đào tạo.
Ba là, đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng phát huy tính độc lập, tích cực của người học, "học đi đôi với hành".
Bàn về phương pháp giáo dục lý luận, Hồ Chí Minh phê phán cách học một chiều, áp đặt, "nhồi vào óc" người học lý luận suông, khô khan mà không hướng dẫn cán bộ cách tổ chức thực hiện trên thực tế. Người coi đó là giáo dục "lý luận suông, vô ích". Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ tránh lối học thuộc lòng từng câu chữ, hiểu một cách máy móc lý luận Mác - Lênin. Theo Người, cách giáo dục đúng đắn là "trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế". Trong cách học tập, phải "lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào".
Bốn là, đa dạng hóa các phương thức giáo dục lý luận chính trị, kết hợp giữa học ở trường, lớp với quá trình tự học của cán bộ.
Đối với học tập lý luận chính trị, việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng là hình thức cơ bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng các lớp huấn luyện phải được tổ chức thường xuyên; chương trình, giáo trình phải có tính hệ thống theo từng mức độ từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. “Sắp xếp thời gian và bài học phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau, mà không xung đột với nhau”. Bên cạnh việc học theo trường lớp, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao quá trình tự học lý luận của cán bộ. Người yêu cầu: “ở các cơ quan, mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ... Những giờ học tập đều tính như những giờ làm việc. Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định”.
Các giải pháp trên đây sẽ góp phần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TW “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, nhất là trong việc ngăn chặn hiện tượng lười học lý luận chính trị, một biểu hiện rất đáng quan ngại, nếu không được ngăn chặn kịp thời, sự suy thoái đó sẽ dễ dàng dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/2/2018 của Ban Bí thư, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị, coi đó là yêu cầu bắt buộc, bức thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Cần xây dựng chương trình, kế hoạch học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị hàng năm. Về nội dung giáo dục cần đổi mới theo hướng gắn lý luận với thực tế, phục vụ nhu cầu công tác của người học, phương pháp giáo dục phải theo hướng phát huy tính độc lập, tích cực, tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của mỗi người. Chất lượng công tác giáo dục lý luận được nâng lên sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới./.