Ban Tuyên giáo (Ban Tuyên huấn) cũng đã tham mưu cấp ủy địa phương, đơn vị chỉ đạo lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tuyên truyền khá sâu rộng về tình hình an ninh, chủ quyền biển, đảo; công tác quản lý, bảo vệ, an ninh, khai thác và phát triển bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo, các vùng ven biển; hoạt động khai thác hải sản, phát triển kinh tế du lịch trên vùng biển, đảo của tỉnh ta.
Trong năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tổ chức 07 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo ở các địa phương, đoàn thể, gồm: thành phố Phan Thiết, huyện đảo Phú Quý, huyện Tuy Phong và Tỉnh Đoàn, có 1.350 người dự; đối tượng là cán bộ Đoàn thanh niên; cán bộ chủ chốt xã, phường, thôn, khu phố, chủ phương tiện tàu thuyền, lao động biển và thân nhân lao động biển.
Qua nỗ lực trong công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh và các cơ quan báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo Việt Nam trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là trong ngư dân. Nhờ đó, tình hình trật tự, an toàn xã hội trên biển, vùng ven biển, đảo Phú Quý và phát triển kinh tế biển, đảo chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần đại bộ phận nhân dân ven biển và đảo Phú Quý được cải thiện, góp phần ổn định tư tưởng, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; các lực lượng chuyên trách về bảo vệ chủ quyền biển đảo đã có trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ an toàn cho ngư dân nên động viên được ngư dân hăng hái tham gia giữ gìn chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn trên biển và phát triển kinh tế biển, đảo.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền trên lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế như: Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan công tác đảm bảo trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo chưa được thường xuyên, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng ngư dân. Vẫn còn một bộ phận ngư dân không chấp hành tốt pháp luật an toàn giao thông, an toàn lao động trên biển; khai thác hải sản mang tính chất hủy diệt bằng chất nổ, xung điện, giã cào... còn diễn biến phức tạp, chưa kiểm soát hiệu quả; một bộ phận nhân dân vùng ven biển, đảo chưa nhận thức đúng tầm quan trọng và trách nhiệm trong khai thác tài nguyên biển, ven biển phải gắn với bảo vệ để phát triển kinh tế biển bền vững nên chưa thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh, môi trường biển dẫn đến ô nhiễm môi trường, sinh thái biển ngày càng nghiêm trọng... Những việc làm thiếu trách nhiệm trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế biển bền vững, làm cạn kiệt tài nguyên biển trong tương lai.
Nguyên nhân của những hạn chế là do: Sự phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin và phối hợp hành động bảo đảm trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và hoạt động kinh tế trên biển, ven biển, hải đảo giữa các thành viên Ban chỉ đạo 1465 của tỉnh với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn thiếu chặt chẽ và chưa thường xuyên; công tác chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền thực hiện Đề án của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong thời gian qua gặp khó khăn, hạn chế, do thiếu thông tin và định hướng trọng tâm, trọng điểm của Ban chỉ đạo để triển khai công tác tuyên truyền.
Thêm nữa là các thành viên Ban chỉ đạo chưa quan tâm đúng mức việc chủ động giới thiệu mô hình, điển hình, kinh nghiệm hay về giữ gìn trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo đến các cơ quan tuyên truyền và báo chí; do đó việc tuyên truyền nêu gương để động viên, khuyến khích các địa phương và nhân dân vùng ven biển, hải đảo tham gia thực hiện tốt Đề án “Đảm bảo trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo” gặp khó khăn.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên thì Ban Chỉ đạo 1465 phải chỉ đạo các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo chủ động, thường xuyên cung cấp các thông tin liên quan việc thực hiện Đề án “Đảm bảo trật tự trị an, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo”, giúp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai tốt công tác tuyên truyền; thường xuyên giới thiệu mô hình, điển hình, kinh nghiệm hay trong thực hiện Đề án đến các cơ quan tuyên truyền và cơ quan báo chí, giúp lực lượng này triển khai công tác tuyên truyền đạ hiệu qủa cao hơn./.