Kỷ niệm 50 năm (1969-2019) thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh và 44 năm (1975-2019) giải phóng miền Nam thống nhất đất nước:Cách mạng miền Nam và chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước

Sau khi vừa giành được chính quyền trong cả nước, nhân dân ta đã phải đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp được Mỹ can thiệp giúp sức, trở lại xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến thần thánh lần thứ nhất này là sự kế tục của Cách mạng tháng Tám, là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc được tiến hành dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng ta là đại biểu, theo một đường lối chính trị và quân sự đúng đắn. 

Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, kết hợp lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng cách mạng với lực lượng vũ trang, lấy lực lượng chính trị làm cơ sở để hình thành và phát triển các lực lượng vũ trang nhân dân. Lấy việc xây dựng lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân làm nồng cốt cho toàn dân đánh giặc, và lấy đấu tranh vũ trang làm hình thức đấu tranh chủ yếu, có kết hợp trong một mức độ nhất định với đấu tranh chính trị ở vùng sau lưng địch; đồng thời, coi trọng đấu tranh với địch trên mặt trận kinh tế. Nhờ đó, chúng ta đã phát huy được ưu thế tuyệt đối về chính trị và tinh thần của nhân dân ta, đồng thời tranh thủ được những nhân tố thuận lợi của thời đại để khắc phục những khó khăn và chỗ yếu của một nước nhỏ, kinh tế nông nghiệp lạc hậu, lực lượng vũ trang nhỏ bé.

Sau chín năm chiến đấu vô cùng oanh liệt, quân và dân ta đã đánh thắng gần nữa triệu quân xâm lược nhà nghề của một tên thực dân hùng mạnh. Đó là bản anh hùng ca của một cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ mà chiến công tiêu biểu của nó -  trận Điện Biên Phủ vĩ đại - đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Cách mạng miền Nam là sự phát triển cao độ của những kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám và của cuộc chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta trước đây vào những điều kiện mới.

Cuối năm 1959 đầu 1960, chế độ thống trị miền Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy ở thành thị địch còn tương đối mạnh, nhưng trong nhiều vùng nông thôn rộng lớn, địch không thể cai trị nhân dân một cách bình thường được nữa; bộ máy ngụy quyền ở cơ sở từng phần đã suy yếu và bất lực, còn quần chúng nhân dân đặc biệt là đông đảo nông dân thì sục sôi cách mạng, đã tỏ ra kiên quyết và sẳn sàng chiến đấu sống chết với quân thù. Đó là những điều kiện chín muồi cho phép phát động quần chúng nhân dân nông thôn nổi dậy khởi nghĩa từng phần, đập tan khâu yếu nhất trong hệ thống cai trị của địch. Cuộc “đồng khởi” nổ ra trong thời gian này đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng, chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, phát triển cao trào cách mạng ra khắp miền Nam, với sự kết hợp cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu trnah quân sự. Trong quá trình cách mạng miền Nam phát triển thành một cuộc chiến tranh quyết liệt, thì đấu tranh quân sự ngày càng tăng lên và giữ một vai trò rất quan trọng. Phải thắng địch về quân sự mới giành được thắng lợi cho kháng chiến, cho cách mạng.

Đấu tranh quân sự là một hình thức đấu tranh cơ bản có tác động quyết định trực tiếp trong việc tiêu diệt lực lượng quân sự địch, và do đó đập tan mọi âm mưu quân sự và chính trị của chúng. Song, đấu tranh quân sự vẫn luôn kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, nhằm giúp sức cho quần chúng tiếp tục nổi dậy khởi nghĩa, phá thế kìm kẹp của địch, giành và giữ quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh cách mạng tiến lên. Cùng với đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị của quần chúng cũng là một hình thức đấu tranh cơ bản có tác dụng quyết định trong tất cả các thời kỳ phát triển của cách mạng miền Nam và đối với sự thành công của cách mạng miền Nam. Lực lượng chính trị không phải chỉ là cơ sở của lực lượng quân sự mà còn được xây dựng thành một đội quân chính trị có tổ chức của quần chúng làm nòng cốt cho đấu tranh chính trị, nhằm tiến công kẻ địch ngay trong vùng chúng tạm thời kiểm soát, kể cả những nơi tập trung lực lượng quân sự, chính trị và kinh tế của chúng. Đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị song song là hình thức bạo lực cơ bản của cách mạng miền Nam và kết hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị là quy luật cơ bản của phương pháp cách mạng miền Nam. Đó là hai mũi tiến công hết sức lợi hại, tao nên sức mạnh tổng hợp hết sức to lớn, làm cho lực lượng của 14 triệu đồng bào miền Nam (thập niên 1960) được nhân lên gấp bội, đủ sức bẻ gãy âm mưu và hành động quân sự, chính trị Mỹ-ngụy, do đó làm lung lay và tiến tới đè bẹp ý chí xâm lược của giặc Mỹ.

 Trong khi tiến hành 2 hình thức đấu tranh cơ bản ấy, nhân dân miền Nam còn đẩy mạnh công tác binh vận giác ngộ binh lính trong quân đội xâm lược Mỹ và quân đội của chính quyền tay sai, chủ yếu là binh lính ngụy, lôi kéo họ về phía cách mạng nhằm phá tan chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” vô cùng thâm độc của đế quốc Mỹ. Đó cũng là mũi tiến công chiến lược, một vấn đề cơ bản trong công tác vận động cách mạng miền Nam để thực hiện khẩu hiệu “công nông binh liên hiệp”, nhằm lật đổ ách thống trị thực dân mới và đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng là quá trình phát triển của cách mạng miền Nam, trong đó khởi nghĩa từng phần ở nông thôn là bước đầu. Trong các bước tiếp theo, những cuộc khởi nghĩa của quần chúng luôn luôn diễn ra ngày càng mạnh mẽ, gắn chặt với chiến tranh cách mạng. Trong quá trình phát triển của chiến tranh giải phóng ở miền Nam đã diễn ra những bước nhảy vọt như thế với chiến dịch Bình Giã (Đông Xuân 1964-1965), mặt trận Trị-Thiên năm 1967 và thời kỳ Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt bắt đầu từ Tết Mậu Thân 1968 là bước phát triển tất yếu của quá trình cách mạng miền Nam và là giai đoạn của sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị. Đánh giá quá trình đấu tranh oanh liệt của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của Đảng, Hồ Chủ tịch đã nói: “Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng. Chúng ta đã từng đánh đổ phát xít Nhật, đánh bại thực dân Pháp và hiện nay đang kiên quyết đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”.

 Khởi nghĩa từng phần, đấu tranh quân sự và chính trị song song, tiến hành đánh địch bằng ba mũi tiến công quân sự, chính trị, binh vận, kết hợp khởi nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược là những nét nổi bật của phương pháp cách mạng miền Nam, tiến tới đánh bại hoàn toàn địch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Đúng như Hồ Chủ tịch đã vạch rõ: “Đó là thắng lợi của đương lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và của sức mạnh toàn dân đoàn kết, quyết chiến quyết thắng, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội tốt đẹp. Đó là những thắng lợi chung của quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc”.

Nắm vững những bài học quý báu của cách mạng Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta càng nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt khó khăn, gian khổ, kiên trì vững bước tiến lên trong sự nghiệp xây dựng va bảo vệ Tổ quốc, góp phần cống hiến xứng đáng vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Tài liệu tham khảo:

1. C. Mác và F. Ang-ghen, toàn tập, tiếng Nga, in lần thứ 2, Nxb Chính trị quốc gia, Mát-xcơ-va, 1957.

2. Hồ Chí Minh, Về nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1967.

3. Hồ Chí Minh, Hăng hái tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1968.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT