Thông báo số 181-TB/TW, ngày 03/9/2008, của Ban Bí thư Trung ương về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; Quyết định số 1853-QĐ/BTGTW, ngày 04/03/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng về Quy chế Giảng dạy và học tập của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Nhưng đến nay, việc quy định về xây dựng một mô hình chuẩn của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn là một vấn đề đang đạt ra cho các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện.
Ở tỉnh Bình Thuận trong những năm qua, hệ thống Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị (TTBDCT) cấp huyện đã có nhiều nỗ lực trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ cấp cơ sở và đạt được những kết quả nhất định, song đứng trước yêu cầu của tình hình mới vẫn còn nhiều bất cập.
Hiện toàn tỉnh có 10 TTBDCT cấp huyện, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở. Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của tỉnh đã góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của công tác lãnh đạo, quản lý và nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nhiều cán bộ, đảng viên sau học tập đã vận dụng tốt kiến thức được học vào thực tiễn, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc, vận động nhân dân thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã được đẩy mạnh và tăng nhiều về số lượng, song vẫn thiếu cán bộ có đủ năng lực, trình độ tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn chậm đổi mới, chưa kịp thời cập nhật những vấn đề mới mà còn thực tiễn đang đặt ra. Trên thực tế, nội dung chương trình còn nhiều trùng lặp, chồng chéo, nặng về lý thuyết, nhẹ về nghiệp vụ.
Việc trang bị thế giới quan, phương pháp luận và phương pháp tư duy còn có phần giáo điều, sách vở, chưa gắn với thực tiễn đổi mới của đất nước nói chung, thực tiễn ở cơ sở nói riêng. Trong khi đó, phương pháp giảng dạy lại chậm được đổi mới, còn nặng nề về phương pháp giảng dạy truyền thống, chủ yếu là thuyết trình, việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực còn rất hạn chế.
Phương pháp lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành chưa được chú ý, khiến cho những bài giảng thiếu sức sống, không thu hút được người học. Học viên tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, chưa phát huy được tính độc lập tích cực, sáng tạo của người học, hạn chế việc bồi dưỡng năng lực tư duy lý luận cho học viên, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của việc nâng cao trình độ nhận thức và năng lực thực tiễn của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Hiện nay, 10 TTBDCT cấp huyện trong tỉnh đều thiếu cán bộ, giảng viên biên chế theo quyết định; chất lượng trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa đồng đều, nhiều giảng viên kiêm chức có nghiệp vụ chính trị nhưng không có nghiệp vụ sư phạm giảng dạy. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho công tác giáo dục lý luận chính trị tại các TTBDCT chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng.
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cấp cơ sở trong tình hình mới; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đang xây dựng Đề án “về xây dựng mô hình tổ chức và khung cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố” nhằm xây dựng mô hình chuẩn của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Từ thực trạng về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và trang thiết bị của TTBDCT cấp huyện hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở của tỉnh. Đòi hỏi các cấp từ Trung ương, tỉnh và huyện cần phải có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Quang Hùng