Cũng như các đảo khác, cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang luôn tích cực tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi để bổ sung khẩu phần ăn hàng ngày.
Nhìn thấy một khoảnh rau xanh ngắt, lạ mắt, mọi người trong đoàn công tác đứng lại nhìn trầm trồ. Trung sỹ Đặng Văn Thành, quê Quảng Bình lại gần cho biết, đó là đậu đen. Mọi người ngạc nhiên, bật cười khi đậu đen ở đất liền chỉ được dùng để nấu chè, bỏ thêm chút gừng để ăn giải cảm. Thế nhưng, đối với cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang: đậu đen còn dùng để trồng rau xanh.
Trung sỹ Đặng Văn Thành trò chuyện, trong năm, các loại rau mồng tơi, cải mầm, rau muống hột được trồng, phát triển tốt. Tuy nhiên, đến mùa bấc cuối năm, trên đảo An Bang không một loại rau nào sống sót nổi trước hơi nước mặn theo từng cơn sóng biển vỗ ập vào đảo. Mặc dù, các chiến sỹ đã cố gắng che chắn sóng biển, hơi nước mặn nhưng vẫn chịu thua trước thiên nhiên khắc nghiệt. Trong gian khó, từng hạt đậu đen là cứu cánh hữu hiệu khi nó chịu được nước mặn.
Trước khi trồng, đậu đen được cung cấp từ đất liền, đem ngâm một ngày từ sáng đến chiều; tùy theo từng bộ phận và quân số trên đảo để làm rau. Thông thường ngâm khoảng 5 kg đậu đen sẽ được từ 8 – 10 kg rau mầm đậu đen. Đem đậu đen đã ngâm gieo xuống đất, sau 4 ngày có thể thu hoạch ăn được. Cho dù nước biển có tràn vào ngập nơi trồng rau rồi rút đi thì hạt đậu đen vẫn sống, đâm chồi mọc hai lá xanh tươi mơn mởn.
Với việc trồng rau mầm đậu đen, cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang đã khắc phục thời tiết thiên nhiên khó khăn, tăng gia, có được rau xanh quanh năm, góp phần tăng khẩu phần ăn hàng ngày.
Nguyên Tài