Trước đây, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ hải quân tại đảo thiếu thốn, khó khăn, nhất là về rau xanh, chất tươi do không có đất trồng trọt; đồng thời, sóng gió, hơi nước mặn ở biển khắc nghiệt nên ít có cây trồng nào sống được. Đến nay, đảo chìm Đá Tây đã trồng được rau xanh, làm giá đỗ và chăn nuôi gà, vịt, heo…cải thiện khẩu phần ăn cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần được xây dựng và duy trì như: bóng bàn, đọc sách, nuôi chim cảnh… Chăn nuôi Qua quá trình đổ đất, xây kè lấn biển, đầu năm 2013, đảo chìm Đá Tây đã hình thành khu chăn nuôi. Tháng 4/2013, đảo thả lứa chăn nuôi đầu tiên gồm: 10 con gà đẻ, 60 con vịt và 02 con heo. Từ khi thực hiện chăn nuôi đến cuối năm 2013, đảo đã thu được 8 tạ thịt heo, hàng trăm trứng gà và nhiều thịt vịt để cán bộ, chiến sĩ tăng khẩu phần ăn tại chỗ. Tháng 12/2013, đảo gầy dựng được một số gia súc, gia cầm gồm: 10 con gà đẻ, 40 con vịt lớn, 14 con vịt con và 2 con heo. Trồng rau và làm giá đỗ Việc trồng rau xanh và làm giá đỗ được thực hiện từ những năm trước đây. Đất trồng trọt, hạt giống rau được tàu chở ra từ đất liền ra đảo. Cán bộ, chiến sĩ tận dụng các tấm lợp, cót che chắn một khoảng trống nhỏ trên đảo, đổ đất trồng vào các khay nhựa và gieo hạt giống vào. Mầm xanh phát triển trong điều kiện khắc nghiệt thiếu nước ngọt, gặp hơi mặn nên dần tàn lụi. Tùy theo mùa, các chiến sĩ tìm cách che chắn hơi biển; đồng thời, sử dụng nước ngọt sinh hoạt, tắm giặt tiết kiệm một cách tối đa để cuối cùng dùng nước đó tưới cây. Nhìn giàn mồng tơi đang vươn lên xanh um, những khay cải ngọt đang mơn mởn, mới thấy được mồ hôi, công sức của các chiến sĩ rất lớn. Hai tuần một lần, các chiến sĩ làm giá đỗ. Đậu xanh từ đất liền đưa ra được bảo quản cẩn thận, mỗi lần làm dùng khoảng 500 gram. Đậu xanh đem ngâm nước qua một đêm, đến sáng vớt rãi trên từng tấm đệm gai (bao bố), đựng trong rổ nhựa đậy kín lại tránh ánh nắng mặt trời. Tiếp đó, các chiến sĩ vót tre thành từng que nan dẻo, lèn chặt các tấm đệm gai để tạo độ ẩm. Hàng ngày tưới nước ba lần, hai ngày sau, từng hạt đậu xanh đã nảy mầm mọc thành cọng giá trắng, hợp vệ sinh, có thể dùng trong các bữa ăn, tạo chất tươi cho cán bộ, chiến sĩ. Chơi bóng bàn và đọc sách Thời gian qua, đảo được các đơn vị hảo tâm tặng hai bàn bóng bàn. Hàng ngày vào buổi chiều, khi hết giờ trực ban, cán bộ, chiến sĩ trên đảo lại quây quần bên bàn bóng bàn. Nhiều người chưa biết đánh, qua rèn luyện cần mẫn, dần dần đã trở nên biết chơi và đánh giỏi. Vào những ngày lễ kỷ niệm của đất nước, đảo cũng tổ chức giải đấu bóng bàn mini, tạo nên hoạt động thể thao vui tươi cho mọi người, thắt chặt thêm tình đồng chí, đồng đội. Nhờ vào sự đóng góp của đông đảo cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong cả nước, tủ sách trên đảo được hình thành với hơn một trăm đầu sách, với nhiều thể loại: văn học, lịch sử, địa lý, chính trị… Nhiều quyển sách quý giá được xếp ngay ngắn, vào sổ, đánh số thứ tự và lưu trữ cẩn thận như: Hồ Chí Minh tiểu sử, Thép mới, Cây tre Việt Nam, Nơi đầu nguồn sông Hậu, Một chuyến tàu đêm… Vào thời gian được quy định trong tuần, cán bộ, chiến sĩ lại quây quần bên nhau, tìm đọc những quyển sách để mở mang, học tập thêm kiến thức. Chim và cây cảnh Hai lồng chim cu gáy theo tàu vượt sóng từ đất liền ra với đảo. Mỗi ngày, các chiến sĩ phân công nhau cho các chú chim ăn uống, vệ sinh chuồng sạch sẽ để dần thích nghi với cuộc sống biển khơi. Không phụ lòng người chăm sóc, hai chú chim cu gáy sống khỏe, phát triển tốt. Mỗi buổi sáng, được nghe tiếng rúc ấm áp, trầm trầm, các chiến sĩ có cảm giác như vẫn đang ở đất liền, làm vơi đi nỗi nhớ nhà, người thân, vững chắc tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc. Bên cạnh những góc nhà, ban công trên đảo xuất hiện những chậu cây cảnh xanh tươi, chậu tiểu cảnh trồng xương rồng, xung quanh đặt ốc biển, nhánh san hô biển. Đó là khoảng xanh hiếm có được các chiến sĩ bỏ công sức để tạo nên, làm dịu vợi đi cảm giác khô khốc của biển khơi. Những hình ảnh mà đoàn công tác đã chứng kiến trong những ngày đi thăm quần đảo Trường Sa đã tạo thêm niềm tin trong mỗi thành viên. Đó là niềm tin sắt son vào cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp công tác nơi đầu sóng, ngọn gió; đó là niềm tin về sự vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.