Theo chương trình, từ Diên Hồng - nơi những ngày qua đang diễn ra kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng trong vai trò báo cáo viên sẽ trực tiếp giới thiệu tới đảng viên trên cả nước những nội dung chính của Nghị quyết Đại hội XIII.
Tại Bình Thuận, điểm cầu chính tại Hội trường A, do đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Cùng tham dự có đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trưởng, phó các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; trưởng, phó các ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, trưởng, phó các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh và các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; báo cáo viên cấp tỉnh; các đồng chí ủy viên ban chấp hành, trưởng và phó ban tuyên huấn LLVT tỉnh; trưởng, phó phòng và chuyên viên các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; trưởng, phó khoa, giảng viên Trường Chính trị; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Các chuyên đề của Hội nghị, cụ thể như sau:
- Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình trình bày chuyên đề “Những nội dung cốt lõi và những điểm mới trong báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng”.
- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giới thiệu chuyên đề “Những nội dung cốt lõi trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm, 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.
- Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sẽ giới thiệu chuyên đề “Những nội dung cốt lõi trong Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII”.
- Ủy viên Bộ Chính trị Phan Văn Giang - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”.
- Ủy viên Bộ Chính trị Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”.
Nội dung đồ sộ vậy, nhưng điểm mới, đặc biệt của hội nghị này lại nằm quy mô của nó: Có thể tới 1 triệu đảng viên trên cả nước tham dự, theo tin từ Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan chủ trì công tác tổ chức Hội nghị.
Quy mô này có được là nhờ kết quả của việc triển khai chính phủ điện tử nhiều năm nay tới cả hệ thống chính trị, mà riêng ngành tuyên giáo đã có thể kết nối trực tuyến từ Trung ương tới tất cả các Trung tâm Chính trị cấp huyện – cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị sát cơ sở nhất của Đảng.
Tới Hội nghị có tính chất quán triệt nghị quyết này, phạm vị kết nối còn được mở rộng hơn nữa: Bất cứ trụ sở đảng bộ cấp xã nào mà có internet thì đều có quyền truy cập, kết nối với Phòng họp Diên Hồng ở trung tâm chính trị Ba Đình.
Trên hết cả, giá trị, hiệu quả hứa hẹn mang lại từ Hội nghị kéo dài hai ngày cuối tuần này mới là điều quan trọng.
Lần đầu tiên, khoảng 1/5 đảng viên trên mọi miền Tổ quốc sẽ được tiếp nhận, giới thiệu Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng một cách trực tiếp nhất, từ những vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước - những người mà trước đó đã chủ trì dự thảo các văn kiện cấu thành nên nên nghị quyết này. Như thế, nhận thức, hiểu biết đầy đủ, chính xác và thống nhất về Nghị quyết chắc chắn sẽ hơn hẳn cách làm truyền thống trước đây - đảng viên tiếp nhận gián tiếp qua báo cáo viên các cấp rất có thể bị tam sao thất bản.
1 triệu đảng viên ấy, bao gồm tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương, cấp ủy viên từ tỉnh xuống huyện, xã. Đây sẽ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.
1 triệu đảng viên ấy còn là đông đảo các đảng viên thường, không tham gia cấp ủy – tức bộ máy lãnh đạo các cấp của Đảng. Họ sẽ lan tỏa Nghị quyết Đại hội XIII tới hơn 4,1 triệu đảng viên còn lại, vì điều kiện cá nhân hoặc khó khăn kỹ thuật mà chưa thể tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc này. Cộng cả lại, hàng triệu đảng viên trên sẽ vừa là người trực tiếp đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vừa giám sát những đảng viên có chức quyền trong việc gương mẫu thực hiện, thi hành Nghị quyết của Đảng.
Nghị quyết của Đảng, dù ở cấp nào cũng rất trúng, nhưng thi hành vẫn luôn là khâu yếu. Yếu kém, khuyết điểm đấy vẫn được nêu ra ở Đại hội đảng các cấp, các nhiệm kỳ trước đây, bao gồm cả Đại hội XIII vừa qua của Đảng.
Hi vọng, cách làm mới, phương thức mới trong tổ chức hội nghị toàn quốc lần này sẽ góp phần dần khắc phục mặt hạn chế ấy, không chỉ với Nghị quyết của Đại hội toàn quốc mà cả nghị quyết của đại hội đảng các cấp, vẫn còn nóng hổi.
Chỉ có vậy, mục tiêu, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ nay đến 2026, khát vọng dân tộc 2030 – dấu ấn 100 năm thành lập Đảng, khát vọng quốc gia 2045 – của 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, mới dần dần, vững chắc, hiện thực hóa.