Phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học

  • /
  • 27.6.2013 - 15:27

Trong quá trình xây dựng và đổi mới đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Đảng, nhà nước ta cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

               Trong đó, mọi người đều có ý thức tôn trọng, chấp hành nghiêm pháp luật; "sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật". Để thực hiện điều này, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với mọi người là một trong những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Phổ biến giáo dục pháp luật là bước đầu để hình thành lòng tin pháp luật, hình thành cảm xúc pháp luật và hành vi phù hợp pháp luật ở mỗi cá nhân con người. Đây chính là yêu tố cơ bản của quá trình hình thành ý thức pháp luật, ý thức công dân.

            Có nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đến với mọi người; trong đó hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có tầm quan trọng là phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học, với đặc trưng chính là truyền đạt nội dung pháp luật thông qua phương pháp sư phạm. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học mang nhiều yếu tố thuận lợi do đặc điểm riêng và ưu thế của ngành giáo dục - đào tạo. Theo thống kê, năm học 2009-2010, cả nước có 42.882 trường học, trong đó: giáo dục mầm non có 12.357 trường; giáo dục phổ thông có 28.407 trường; dạy nghề có 950 trường và trung tâm; trung cấp chuyên nghiệp có 282 trường; đại học, cao đẳng có 376 trường. Bên cạnh hệ thống cơ sở giáo dục chính quy, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên cũng phát triển mạnh với 69 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 615 trung tâm GDTX cấp huyện, 9.990 trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống này được phân bổ ở mọi miền của đất nước, vì vậy có điều kiện tham gia vào công tác phổ biến , giáo dục pháp luật cho mọi người dân từ miền núi đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn Và với hơn 22.953.512 người học; trong đó: có3.405.184 trẻ em ở giáo dục mầm non, 6.922.624 học sinh tiểu học, 5.214.042 học sinh trung học cơ sở, 2.879.490 học sinh trung học phổ thông, 1.696.500 học sinh học nghề, 701.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp, 1.800.00 sinh viên đại học, cao đẳng, 54.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh, 1.017.374 học viên giáo dục thường xuyên (học văn hoá). Với mạng lưới trường học rộng khắp và số lượng người học (người học là người đang học tập tại cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân) đông đảo nên việc hình thành ý thức pháp luật cho người học có thể là biểu hiện đặc trưng cho ý thức pháp luật của toàn xã hội. Điều đó được thể hiện ở những khía cạnh sau: (1) vì có số lượng đông (1/4 dân số) nên người người học có ý thức pháp luật cao thì dẫn đến ý thức pháp luật xã hội cũng cao. (2) Vị trí của người học được xem là nguồn nhân lực của đất nước; ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, mối quan hệ quốc tế cũng đòi hỏi phải được xây dựng trên mối quan hệ pháp luật, nhà trường ngoài đào tạo chuyên môn cần phải trang bị cho người học một kiến thức pháp luật vững vàng để đáp ứng khả năng đối nội lẫn đối ngoại. (3) Người học có ý thức pháp luật thường dễ dàng lan tỏa, ảnh hưởng đến người khác và nhất là người thân (một học sinh mẫu giáo cũng biết nhắc nhỡ cha, mẹ dừng xe khi đèn đỏ nếu được giáo dục Luật An toàn giao thông trong trường); qua đó, tăng cao tỷ lệ người nhận thức pháp luật trong toàn xã hội. (4) Đội ngũ nhà giáo có chuyên môn, có khả năng, điều kiện tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, là người giảng dạy văn hoá, vừa là người giáo dục nhân cách, đồng thời là những báo cáo viên pháp luật tiềm năng. Nếu được bồi dưỡng về trình độ pháp lý nhất định thì đội ngũ này có thể đóng góp rất hữu ích vào sự nghiệp phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung. Đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi còn thiếu nhiều phương tiện thông tin đại chúng, thiếu công nghệ cao thì việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến với người dân nơi đây thiết thực, duy nhất là thông qua đội ngũ nhà giáo…

            Với ý nghĩa trên, song song với việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, một trong những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt là phải đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học. Đây là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, mang tính khách quan và hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục toàn diện của chúng ta là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để thực hiện đào tạo phát triển toàn diện của con người Việt Nam, giáo dục pháp luật là một nội dung không thể thiếu trong chương trình giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

                                                                          Hồng Hạnh


  • |
  • 1302
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT