Nhờ đó mà công tác Xây dựng Đảng nói chung, công tác lý luận - tư tưởng nói riêng luôn được đổi mới và đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp cách mạng đặt ra trong từng giai đoạn lịch sử.
Ở Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, công tác giáo dục lý luận chính trị luôn được quan tâm như đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chuyên đề về tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh uỷ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng trên các lĩnh vực được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực. Các cấp ủy Đảng ngày càng chú trọng nhiều hơn đến việc nâng cao trình độ lý luận chính trị (LLCT), chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên và công tác phát triển đảng ở các đảng bộ, chi bộ cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên tham gia học tập, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở. Năm 2013, ngoài số lượng các lớp chuyên đề nghiệp vụ theo kế hoạch, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức Hội nghị triển khai chuyên đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013, báo cáo viên do đồng chí giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận trung ương triển khai. Tham gia có hơn 300 đồng chí là Trưởng Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành uỷ; Tuyên huấn các đảng uỷ trực thuộc, Báo cáo viên Tỉnh uỷ; trưởng, phó các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh uỷ; cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy còn mời báo cáo viên của Trung ương về truyền đạt tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ báo cáo viên và dư luận xã hội năm 2013 cho cán bộ chủ chốt của tỉnh, đội ngũ báo cáo viên của tỉnh, huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ, chuyên viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.
Ngoài ra các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013 cho cán bộ, đảng viên. Trong 6 tháng đầu năm 2013, các Trung tâm BDCT huyện, thị, thành phố; tuyên giáo, tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc đã mở được 341 lớp các loại với 37.703 lượt người tham gia học tập; gồm chương trình: Sơ cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới; bồi dưỡng nhận thức về đảng cho đối tượng kết nạp đảng; bồi dưỡng công tác đảng cho Bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận, đoàn thể; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ cơ sở.
Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2013, Trường Chính trị tỉnh đã mở được 14/20 lớp, đạt tỷ lệ 70% kế hoạch năm; với 1.401/1.884 học viên, đạt tỷ lệ 74,36% kế hoạch năm. Tổ chức hội thảo cấp trường về chuyên đề “Nâng cao kỹ năng nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và cấp ủy xã, phường, thị trấn”. Tổ chức đưa học viên lớp Trung cấp LLCT-HC tập trung khóa 16 đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lâm Đồng; cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng các chương trình do Học viện chính trị - Hành chính quốc gia và các ngành Trung ương và tỉnh tổ chức. Tổ chức các lớp bồi dưỡng về quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên; phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II mở lớp cao cấp LLCT. Ngoài ra Nhà trường còn phối hợp với các, huyện, thị, thành phố mở các lớp đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại các địa phương.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Trường Cao đẳng cộng đồng Bình Thuận tổ chức 01 lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho 44 đồng chí tham gia là giảng viên, giảng viên kiêm chức của các Trung tâm BDCT, Trưởng ban Tuyên huấn hay phụ trách công tác tuyên huấn của các đảng uỷ trực thuộc, cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ban tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc. Thông qua khóa bồi dưỡng phương pháp giảng dạy đã giúp cho đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức tiếp thu những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ, phương pháp soạn giáo án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để vận dụng vào thực tiễn trong quá trình công tác tại địa phương, đơn vị.
Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm BDCT huyện, thị, thành phố và ban tuyên giáo, tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc đã khắc phục khó khăn, tổ chức được nhiều loại hình lớp học cho nhiều loại đối tượng theo các chương trình đã được quy định. Bên cạnh những nội dung do Trung ương hướng dẫn; các trung tâm BDCT, ban tuyên giáo, tuyên huấn các đảng ủy còn lồng ghép giảng dạy các nội dung như lịch sử địa phương, thông tin về tình hình thế giới, trong nước và địa phương vào các lớp bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và quần chúng cốt cán ở cơ sở; góp phần tích cực vào việc trang bị những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; củng cố, nâng cao lập trường chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên.
Một ưu điểm đáng chú ý là, mặc dù còn gặp một số khó khăn trong việc nắm bắt đối tượng để xác định nội dung, lựa chọn phương pháp truyền đạt, nhưng nhìn chung, xu hướng vận dụng linh hoạt các phương pháp mới trong giảng dạy LLCT, nhất là đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng cấp huyện ngày càng được nâng cao. Điều đó thể hiện đội ngũ giảng viên đã thực sự nâng cao nhận thức về tính cần thiết của đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, về xu hướng đối thoại giữa giảng viên và học viên, về mối liên hệ hữu cơ giữa phương pháp và chất lượng, hiệu quả của công tác giảng dạy LLCT trong tình hình mới.
Bên cạnh những mặt đạt được còn có những hạn chế. Một số Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn thiếu biên chế cán bộ nên gặp khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy, mở lớp. Một số cấp uỷ trong khối nhà nước chưa có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho cán bộ nên gặp khó khăn trong việc bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng. Mặc dù các Trung tâm BDCT cấp huyện chủ động triển khai kế hoạch mở lớp, nhưng do việc tham gia giảng dạy của các đồng chí giảng viên kiêm chức chưa được đảm bảo đã phần nào ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác báo cáo viên còn ít.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhất là của một số Trung tâm BDCT cấp huyện còn thiếu, cũ kỹ, chưa đáp ứng được hoạt động và yêu cầu công tác giáo dục LLCT hiện nay. Công tác kiểm tra giảng dạy LLCT ở các Trung tâm BDCT huyện, thị, thành phố và trong các trường Cao đẳng, Trung học phổ thông chưa được thường xuyên, công tác thông tin 2 chiều ít được duy trì.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát và tư tưởng; thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015. Chính vì vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị luôn cần phải được nâng cao, phát huy hơn nữa để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII đã khẳng định cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chăm lo củng cố sự thống nhất trong Đảng. Thường xuyên chú trọng việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và truyền thống quê hương cho cán bộ, Đảng viên, công chức và nhân dân. Tin chắc rằng, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, công tác giáo dục lý luận chính trị sẽ ngày càng được nâng cao góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Quang Hùng