Mấy ngày vừa qua trên các trang báo, trong các trường học cũng như các vị phụ huynh học sinh đã bàn tán nhiều vấn đề xung quanh việc tổ chức lễ hội rước đèn như: kinh phí quá lớn, lồng đèn lớn đặt làm mất nhiều tiền nhưng khi tổ chức xong thì bỏ lãng phí, cần phải xã hội hóa lễ hội, hoặc nên bỏ lễ hội… Về phía chính quyền, UBND thành phố Phan Thiết cũng đã có những ý kiến, chỉ đạo tích cực nhằm duy trì một lễ hội độc đáo nhưng vừa tiết kiệm, thực sự là sân chơi của trẻ thơ.
Tuy nhiên, dạo quanh một vòng các tiệm cơ khí, kỹ nghệ sắt trong thành phố không khó để phát hiện ra những cộ đèn cỡ lớn đang dần dần được hoàn thiện để chuẩn bị đón Trung thu sắp đến. Vậy là Trung thu năm nay tiếp tục chứng kiến những cộ đèn lớn được đặt hàng, tiếp tục chứng kiến việc tốn nhiều tiền, tiếp tục là cuộc chơi của những cơ sở làm lồng đèn.
Thiết nghĩ, cần phải có một sự thay đổi quyết liệt, quy định chặt chẽ về lồng đèn lớn dự thi, cũng như việc xã hội hóa lễ hội. Ví dụ, Ban Tổ chức nên quy định: lồng đèn lớn của trường phải do chính thầy cô, học sinh trong trường tự thiết kế làm; lồng đèn lớn phải giống lồng đèn nhỏ của học sinh và chỉ khác kích thước to hơn… Việc xã hội hóa kinh phí cũng là điều cần thiết, nên khuyến khích các đơn vị kinh tế tham gia vào hoạt động này, và quy định cụ thể về việc sử dụng hình ảnh lễ hội để quảng bá, quảng cáo.
Giống như Phan Thiết, ở thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang kết nghĩa với tỉnh Bình Thuận) cũng có tổ chức rước đèn Trung thu vào đêm rằm tháng tám. Cộ đèn lớn được giao cho mỗi UBND phường, xã làm để tham gia đêm hội. Đến đêm rằm, các trường học thuộc địa bàn phường, xã nào thì thầy cô đưa học sinh diễu hành theo cộ đèn của phường, xã đó. Các trường học không mất kinh phí làm đèn lớn, thầy cô không phải lo lắng mất nhiều tiền đi thuê người làm, học sinh chỉ mua lồng đèn nhỏ mang tham dự đêm hội. Đây cũng là một cách làm, có thể tham khảo để ngày một hoàn thiện lễ hội trung thu ở thành phố Phan Thiết, thật sự tiết kiệm và trở thành sân chơi của trẻ thơ.
Nguyễn Thành Tài