Toàn tỉnh đã phát hành được 10 tập lịch sử (02 cơ quan và 08 xã, phường, thị trấn), nâng tổng số sách phát hành đến cuối năm 2016 đạt 191 tập lịch sử (năm 2015: 183 quyển); 09 bản thảo được thẩm định chuyên môn, gồm: Hòa Thắng (Bắc Bình), Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc), Đức Thắng, Lạc Đạo, Phú Hài, Thiện Nghiệp - Hàm Tiến (Phan Thiết), Tân Lập, Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam). Riêng các địa phương Phú Tài - Xuân An - Phong Nẫm (Phan Thiết) thẩm định năm 2013; Lạc Tánh (Tánh Linh) thẩm định năm 2014, đến nay vẫn tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa. Đồng thời, làm tốt công tác thẩm định: có 17 bản thảo lịch sử của các ngành, địa phương; trong đó, có 10/17 bản thảo đã in, xuất bản, như: Lịch sử Đảng bộ xã Hàm Liêm (1930 - 1975), Lịch sử Đảng bộ xã Phan Thanh (1945-1975), Lịch sử Đảng bộ thị trấn Tân Minh (1945 - 2005), Tân Thuận truyền thống anh hùng và công cuộc xây dựng (1930 - 2010)… Ngoài ra, còn góp ý đề cương bản thảo lịch sử xã Đức Chính (Đức Linh); phường Thanh Hải, xã Tiến Lợi (tp. Phan Thiết).
Cùng với những chuyển biến tích cực của việc nghiên cứu, biên soạn, việc triển khai tuyên truyền học tập lịch sử đảng bộ cũng được Ban Tuyên giáo, tuyên huấn các huyện, thị, thành quan tâm chú trọng và đạt kết quả tốt. Các huyện, thị, thành phố tiếp tục hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và cấp kinh phí biên soạn lịch sử các xã, phường, thị trấn; biên soạn đề cương khái quát nội dung lịch sử Đảng bộ huyện để đưa vào giới thiệu trong các lớp bồi dưỡng tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống tới cán bộ, đảng viên và nhân dân nhân các ngày lễ, kỷ niệm của ngành, của địa phương, của đất nước… Qua đó, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, giáo dục đạo đức cách mạng, góp phần cổ vũ các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình.
Có thể nói, đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy đảng, sự đồng thuận, vượt khó của cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; từ đó, các công trình lịch sử Đảng đã xuất bản đảm bảo về mặt khoa học, chất lượng về nội dung lẫn hình thức, đạt yêu cầu đề ra. Qua những công trình này, rút ra những bài học cần thiết, phát huy những truyền thống quý báu của Đảng bộ, phục vụ đắc lực nhiệm vụ, đường lối chính trị, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu giáo dục truyền thống, làm cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ hiểu được về lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của quê hương mình.
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được thì công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cũng khặp không ít khó khăn: cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị còn thiếu; đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Trình độ của đội ngũ làm công tác này không đồng đều, không được đào tạo sâu về chuyên môn, chưa được qua các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, lại thường xuyên thay đổi. Đến cuối năm 2016, vẫn còn 27/127 địa phương chưa triển khai biên soạn lịch sử (chậm triển khai 12, mới thành lập 12, đặc thù biển đảo 3).
Thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo Tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Chỉ thị số 15 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX). In, phát hành Chuyên đề “Công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong các nhà tù, trại giam ở miền Nam (1954 - 1975)”; hoàn thành các lần hội thảo Biên niên các sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (1930 - 1954); triển khai Đề án “Số hóa tư liệu lưu trữ và các ấn phẩm lịch sử tỉnh Bình Thuận”. Xây dựng Đề án: “thành lập đội ngũ cộng tác viên biên soạn lịch sử tỉnh Bình Thuận”, đề án “thành lập Hội Sử học Bình Thuận” và đề án “đưa lịch sử địa phương vào chương trinh giảng dạy trong các cấp học trên địa bàn tỉnh”. Tổ chức hội nghị tập huấn công tác biên soạn lịch sử. Hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử.