Góp phần tìm hiểu về tên gọi vùng đất Ma Lâm xưa

  • /
  • 8.10.2013 - 16:39

Báo Bình Thuận cuối tuần số 4806 có bài viết “Mã Lâm - tên cũ mấy người hay?” của tác giả Việt Quốc, nói về hai con dấu xưa khắc chữ MÃ LÂM được lưu giữ tại ga Ma Lâm (cũng là tên thị trấn huyện lỵ Hàm Thuận Bắc), qua đó khẳng định: “tên gọi ban đầu của vùng đất này là Mã Lâm, chứ không phải là Ma Lâm”.

            Đây là một phát hiện khá thú vị, góp phần bổ sung tư liệu quý phục vụ việc nghiên cứu về lịch sử hình thành vùng đất này. Tuy nhiên, để xác định nguồn gốc địa danh xưa, nên xem xét, đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu, nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ.

Từ tư liệu thành văn

Các công trình nghiên cứu về lịch sử hình thành vùng đất cực Nam Trung bộ đều khẳng định, Bình Thuận là nơi có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Một trong số cư dân bản địa định cư lâu đời nhất là cộng đồng người Chăm, có mặt hầu hết ở các địa phương trong tỉnh. Người Chăm sinh sống và đóng góp nhiều công sức trong quá trình khai phá và hình thành Bình Thuận, tạo nên dấu ấn sâu sắc trong sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng đất này. Cho đến nay, trong tỉnh còn lưu giữ hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật đền tháp Chăm độc đáo; còn nhiều địa danh gọi theo âm Việt (hoặc Hán Việt) phỏng theo âm địa danh Chăm vốn có trước như Cà Ná (Canah kluw), Phan Thiết (Hamu’ Lithit, Mu Thit), Phan Rí (Pa rik), Phú Hài (Pa jai)…

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Lý Tùng Hiếu (Khoa Văn hóa học, ĐH KHXH & NV Tp Hồ Chí Minh), người Chăm thường dùng các từ ngữ nói về dân cư, sự vật tự nhiên, cách làm ăn, thực vật, động vật, lễ lạt, địa hình, loại hình canh tác... để đặt tên cho vùng đất họ sinh sống. Tên gọi đó có ý nghĩa cụ thể, mộc mạc, gắn liền với địa bàn cư trú, văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân. Tên gọi Ma Lâm cũng như vậy, khi tra cứu từ điển trực tuyến Chăm – Việt (chucham.huecit.vn), từ Hamu’ Akam có nghĩa là (làng) Ma Lâm Chàm; trong đó, Hamu’ là ruộng, Akam là cây mã tiền, củ chi hoặc củ nén.

Qua ý nghĩa tên gọi Hamu’ Akam, có thể đặt ra giả thuyết, vào thời xa xưa, vùng đất này là rừng rậm có nhiều cây mã tiền. Mã tiền (Strychnos nux-vomica) là một loài cây gỗ thường bản địa Đông Nam Á, lá hình trứng, các cành nhỏ không lông hoặc có lông tơ, ra hoa từ mùa xuân tới mùa hè, cho quả có độc tính khá cao. Người Chăm từ vùng đồng bằng ven biển di chuyển đến đây, khai phá rừng mã tiền làm ruộng. Hamu’ Akam hiểu theo nghĩa gốc là ruộng cây mã tiền. Đến cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, người Kinh đến đây, phiên âm Hán Việt tiếng Chăm Hamu’ Akam thành tên gọi Ma Lâm. Qua nhiều biến động lịch sử, ban đầu chỉ là tên một làng Chăm, sau trở thành địa danh hành chính cho đến sau này.

Đến điền dã thực tế

Để tìm thêm cứ liệu chứng minh giả thuyết trên là hợp lý, tác giả về thôn 3, thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc (thôn thuần người Chăm sinh sống) tìm gặp Đồng Chuông Tử - nhà thơ người Chăm. Bên cạnh sáng tác thơ, Đồng Chuông Tử còn để tâm tìm hiểu về văn hóa, văn học và ngôn ngữ Chăm. Anh được nghe các vị chức sắc lớn tuổi trong thôn kể nhiều câu chuyện về nguồn gốc tên gọi vùng đất xưa, trong đó nói đến việc người Chăm khai phá rừng cây mã tiền làm ruộng và gọi tên là Hamu’ Akam. Nhà thơ còn suy tư, trong các thư tịch viết bằng chữ Chăm cổ do các vị chức sắc trong thôn còn lưu giữ cẩn thận, có thể sẽ đọc được nội dung viết về nguồn gốc tên gọi xưa, chỉ tiếc là nguồn tư liệu này chưa được khai thác, nghiên cứu nhiều. 

Tuy nhiên, để khách từ nơi xa đến đây khỏi phải hụt hẫng, Đồng Chuông Tử tiết lộ tại thôn 3, Ma Lâm vẫn còn sót lại một cây mã tiền cổ thụ. Vòng vèo qua nhiều con ngõ nhỏ, cánh đồng thôn 3 hiện ra mát rượi tầm mắt. Giữa cánh đồng lúa xanh rì, một cây mã tiền cổ thụ đứng hiên ngang trên một gò đất thấp. Việc đi tìm tính hợp lý của giả thuyết cần dựa vào nhiều nguồn tư liệu, tư liệu điền dã chỉ mang tính minh họa thêm, đáng tin cậy nhất là nguồn thư tịch cổ, nhưng khi đứng trước cây mã tiền cổ thụ, tự dưng có một cảm giác sung sướng nho nhỏ len lỏi trong những người đang đi tìm về nguồn gốc địa danh xưa.  

Về tên gọi Mã Lâm 

Hai con dấu khắc tên “MÃ LÂM” của ga Ma Lâm là một trong những tư liệu quý để đối chứng khi nghiên cứu tên gọi vùng đất này. Có hai giải thuyết đặt ra: Mã Lâm là tên gọi vùng đất hay tên gọi riêng của ga Ma Lâm thuở ban đầu mới hình thành và nếu Mã Lâm là tên gọi vùng đất này, thì tên gọi nào xuất hiện trước (Ma Lâm hay Mã Lâm).

Căn cứ các công trình khảo cứu đã được công bố, tên gọi đơn vị hành chính Ma Lâm chính thức xuất hiện trong văn bản chính quyền phong kiến vào nửa đầu thế kỷ XIX. Năm 1836, vua Minh Mạng hạ chiếu cho Đào Trí Phú - quan Thị lang bộ Hộ, về Bình Thuận đo đạc ruộng đất, để thực hiện đánh thuế. Tìm trong công trình khoa học Nghiên cứu Địa bạ triều Nguyễn Bình Thuận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, được thông tin: thôn Ma Lâm thuộc tổng Nông Tang, huyện Tuy Định, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Cũng theo địa bạ, Ma Lâm là một thôn nhỏ, phía Đông giáp thôn Tầm Hưng, phía Tây giáp xã Toàn Hòa, phía Nam giáp thôn An Phú và phía Bắc giáp thôn Giang Mâu. Như vậy, tên gọi Ma Lâm xuất hiện trước năm 1858 (thời điểm Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam, đặt sự thống trị, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc cai trị, trong đó có hệ thống đường sắt). 

Trong công trình Địa chí Bình Thuận, trang 538 có viết: “Về đường sắt, từ năm 1905 -1912, thi công xong đoạn Sài Gòn – Nha Trang mất khá nhiều công sức, tiền của vì phải luồn qua các khu rừng rậm, suối sâu. Riêng đoạn chạy qua Bình Thuận dài 180 km, từ Nam ra Bắc có các ga: Gia Huynh, Suối Kiết, Sông Dinh, Suối Vận, Mương Mán, Ma Lâm…”. Việc xây dựng hệ thống ga xe lửa, đi đôi với việc khắc con dấu để hoạt động, nên có thể khẳng định tên Mã Lâm xuất hiện sớm nhất là từ năm 1905 trở về sau này.

Vì sao có tên gọi Mã Lâm? Có thể khi xây dựng ga Ma Lâm, người Pháp thấy nơi đây có nhiều cây mã tiền mọc thành rừng nên phiên âm Hán Việt ra thành Mã Lâm, và đó là tên gọi riêng của ga Ma Lâm lúc mới thành lập. Đây là giả thuyết đặt ra, cần có thời gian tìm hiểu thêm, nhất là qua thư tịch cổ.  

Vĩ thanh

Vùng đất này xưa kia có tên gốc tiếng Chăm là Hamu’ Akam (ruộng cây mã tiền). Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, người Kinh đến đây sinh sống, phiên âm Hán Việt ra thành tên gọi Ma Lâm. Năm 1836, triều Nguyễn tiến hành đo đạc ruộng đất, Ma Lâm trở thành đơn vị hành chính cấp thôn. Đến khi Pháp xâm lược Việt Nam, từ năm 1905 xây dựng hệ thống đường sắt tại Bình Thuận, thì xuất hiện tên gọi Mã Lâm trong con dấu của ga Ma Lâm.

Qua một số tư liệu thành văn và thực hiện điền dã, tác giả chỉ mong góp chút tìm hiểu về tên gọi địa danh Ma Lâm xưa. Điều quan trọng là những thư tịch cổ của người Chăm còn lưu giữ tại đây nếu được khai thác nghiên cứu, có thể sẽ làm sáng tỏ, khẳng định chắc chắn hơn nguồn gốc tên gọi Ma Lâm. Nên chăng, cần có một công trình nghiên cứu về địa danh Chăm trên vùng đất Bình Thuận (hoặc rộng hơn là vùng đất duyên hải Nam Trung bộ), để khi muốn tìm hiểu về các địa danh xưa, nhất là địa danh có nguồn gốc từ tiếng Chăm thì đây là một công cụ tra cứu hữu hiệu nhất.

 

Nguyên Tài


  • |
  • 2326
  • |

Các tin khác