Đổi mới giải pháp học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng ở xã, phường, thị trấn

  • /
  • 25.10.2013 - 16:58

Việc nghiên cứu học tập, quán triệt và cụ thể hóa nghị quyết của Đảng là khâu tiên quyết, rất quan trọng trong quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn.

                Những năm qua, công tác tổ chức nghiên cứu học tập, quán triệt và thực hiện nghị quyết của Đảng đã được cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện khá nghiêm túc, từng bước đổi mới nội dung và phương pháp học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết khá phù hợp với tình hình, điều kiện của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương, cơ sở.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế so với yêu cầu; đáng lưu ý là: Việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng tại một số chi, đảng bộ cơ sở chưa bám sát chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Một số cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc trong việc học tập, nghiên cứu, thảo luận nghị quyết. Phương pháp truyền đạt của một số báo cáo viên thiếu tính thuyết phục, chưa nêu bật những điểm mới, những vấn đề căn bản, mấu chốt trong các nghị quyết của Đảng; nội dung truyền đạt chưa đi sâu liên hệ thực tiễn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để làm sáng tỏ nội dung nghị quyết. Một số nơi chưa dành thời gian thỏa đáng cho cán bộ, đảng viên thảo luận nghị quyết. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng có nơi còn chung chung, hình thức, chưa sát hợp với đặc điểm đặc thù của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, tính khả thi chưa cao. Công tác giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức buổi toạ đàm “đổi mới giải pháp học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng ở xã, phường, thị trấn”. Để đánh giá tình hình, kết quả học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, rút ra những mặt được, chưa được và những kinh nghiệm để có giải pháp phù hợp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết, góp phần nâng cao nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong thực hiện nghị quyết của Đảng; chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng trong việc chỉ đạo tổ chức quán triệt, học tập và xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng và đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Buổi tọa đàm là dịp để phát huy trí tuệ của tập thể đại biểu tham dự, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp cụ thể trên cơ sở tổng kết thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, giúp cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy có định hướng, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng sát với tình hình mới. Sau khi trao đổi các đại biểu đi đến thống nhất một số nội dung, vấn đề cần tập trung đổi mới trong thời gian gian tới như sau:

- Thứ nhất, về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đứng đầu là đồng chí bí thư cấp uỷ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của Đảng; trên cơ sở đó, đề ra giải pháp thiết thực trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ trong nâng cao chất lượng quán triệt, học tập và xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của Đảng trong thời gian tới.

- Thứ hai, việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt của các cấp ủy đảng; việc xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết.

- Thứ ba, về báo cáo viên truyền đạt, giới thiệu nghị quyết, thực hiện theo tinh thần Thông báo Kết luận 169/TB-TW, ngày 02/8/2008 của Bộ Chính trị (khóa X), thì đồng chí Bí thư cấp uỷ sẽ là người trực tiếp giới thiệu nghị quyết. Tuy nhiên, trong thực tế, nhất là đối với cấp cơ sở xã, phường, thị trấn có không ít đồng chí bí thư do hạn chế về khả năng thuyết trình, nên nội dung không sinh động, thiếu tính thuyết phục. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên từ tỉnh đến cơ sở, nhất là ở cấp cơ sở để đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng việc học tập, quán triệt, giới thiệu nghị quyết của đội ngũ báo cáo viên.

- Thứ tư, về hình thức, phương pháp tổ chức học tập nghị quyết như hiện nay là hợp lý chưa, cần đề xuất giải pháp như thế nào: tỉnh, huyện tổ chức lớp cán bộ chủ chốt, các chi đảng bộ ban, ngành, đoàn thể, những nơi có số lượng cán bộ, đảng viên ít, tổ chức tập trung nhiều đơn vị tham gia học tập; nơi có số lượng đảng viên đông tổ chức độc lập; đối với cán bộ, đảng viên, giáo viên tổ chức riêng theo từng điểm trường; cán bộ, đảng viên, viên chức ngành y tế tham gia học tập nghị quyết do cấp huyện tổ chức cho cán bộ công chức...

- Thứ năm, học tập nghị quyết trong hệ thống đoàn viên, hội viên các đoàn thể và tuyên truyền trong nhân dân thời gian qua hình thức nào là có hiệu quả; những thuận lợi khó khăn gì? giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập nghị quyết của đối tượng này là gì?

- Thứ sáu, công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng được quan tâm như thế nào ?

 

Thế Minh


  • |
  • 794
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT