Hội thảo 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị

  • /
  • 20.12.2013 - 9:37

Chiều ngày 18/12/2013, tại thành phố Phan Thiết, Thường trực Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học- nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

             Tham gia chủ trì Hội thảo, đồng chí Nguyễn Chí Khanh- Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Đức Hòa- Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Tham dự hội thảo có đại diện Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và hơn 30 đại biểu là Ủy viên Ban chấp hành, trưởng, phó các phân, chi hội và hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Thuận.

            Tại hội thảo, có 07 tham luận phân tích, đánh giá kết quả hoạt động văn học- nghệ thuật trên địa bàn tỉnh qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. Kết quả nổi bật là mặc dù các cấp hội gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí, cơ sở vật chất, nhưng hoạt động văn học, nghệ thuật trong tỉnh đã có bước phát triển mới. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã có sự phát triển về đội ngũ, cả số lượng và chất lượng, từng bước trẻ hóa; có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài cách mạng trong kháng chiến, thành tựu công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, điển hình, mô hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực… Nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, múa đạt giải cao trong các cuộc liên hoan văn hóa- nghệ thuật khu vực Miền Đông, trong nước; một số ảnh nghệ thuật đạt giải quốc tế… Các đại biểu cũng nhìn nhận văn học - nghệ thuật tỉnh ta còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, chưa ngang tầm với sự phát triển của tỉnh, cũng như tiềm năng con người và văn hóa đa dạng của Bình Thuận. Phân tích nguyên nhân hạn chế, một số đại biểu cho rằng một phần do nhiều văn nghệ sĩ còn khó khăn về kinh tế, chưa đầu tư đúng mức để sáng tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của công chúng yêu văn học, nghệ thuật. Mặt khác, Hội Văn học - Nghệ thuật không được công nhận là hội đặc thù nên các chi hội cơ sở không có biên chế chuyên trách, không có kinh phí hoạt động, không có trụ sở làm việc. Mặc dù có sự hỗ trợ kinh phí của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, nhưng khá khiêm tốn nên hoạt động của các chi hội cơ sở gặp rất nhiều khó khăn…  

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và các phân, chi hội cơ sở trong hoạt động văn học, nghệ thuật thời gian qua, ghi nhận những khó khăn của các cấp hội; cho rằng với chức năng nhiệm vụ là cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy trên lĩnh vực hoạt động văn học, nghệ thuật, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Hội Văn học - Nghệ thuật trong việc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạo điều kiện nhiều hơn để sự nghiệp văn học, nghệ thuật tỉnh ta ngày càng phát triển. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn đề nghị các cấp Hội Văn học - Nghệ thuật cần quan tâm thực hiện một số vấn đề trong thời gian tới.

Một là, Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, tập hợp hội viên, đưa hoạt động văn học, nghệ thuật phát triển tương xứng với tiềm năng văn hóa, con người và sự phát triển của tỉnh; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho văn nghệ sĩ; bám sát các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh để chỉ đạo, hướng hoạt động sáng tác đúng định hướng chính trị của Đảng, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Hai là, các cấp hội chú trọng bồi dưỡng, khai thác tài năng trẻ để bảo đảm cho Hội luôn có sức sống dồi dào, tránh hẫng hụt về đội ngũ; tăng cường các hoạt động giao lưu, đi thực tế sáng tác, nhằm mở ra không gian đề tài rộng lớn, phong phú cho văn nghệ sĩ khai thác sáng tạo; tăng cường hoạt động giới thiệu, công bố, đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng, góp phần phát triển lành mạnh đời sống tinh thần của xã hội.

Ba là, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh phải luôn tỉnh táo trong tiếp cận thông tin, nhìn nhận đúng các vấn đề, sự kiện chính trị- xã hội; tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội của tỉnh để trong sáng tạo văn học, nghệ thuật đúng định hướng chính trị của Đảng, có trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Kết thúc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Chí Khanh - Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi giúp các cấp hội văn học- nghệ thuật và các văn nghệ sĩ thực hiện tốt vai trò người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa- tư tưởng, thúc đẩy sự nghiệp văn học, nghệ thuật tỉnh nhà phát triển ngang tầm với sự phát triển chung của tỉnh.

                                                  Nguyễn Văn Năm


  • |
  • 873
  • |

Các tin khác