Tháng 1/1954, Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp họp ở Béclin (Đức) đã thỏa thuận triệu tập một hội nghị quốc tế ở Giơnevơ để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Hội nghị Giơnevơ bắt đầu thảo luận về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Phái đoàn Chính phủ ta, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, chính thức mời được họp.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cuộc kháng chiến cũng như so sánh lực lượng giữa ta với Pháp trong chiến tranh và xu thế chung của thế giới và giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng. Việt Nam đã ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương (Việt Nam-Lào-Campuchia). Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/7/1954, hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết. Bản tuyên bố cuối cùng về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được đại diện các nước Hội nghị ký chính thức. Theo đó, ở Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội viễn chinh Pháp tập kết ở hai miền Bắc-Nam, lấy vĩ tuyến 17 (dọc theo sông Bến Hải-Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến. Việt Nam tiến tới tổng thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956 dưới sự kiểm soát và giám sát của một Ủy ban quốc tế gồm (Ấn Độ làm Chủ tịch, cùng hai thành viên là Ba Lan và Canada).
Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương là văn bản pháp lý quốc tế ghi nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân các nước Đông Dương và được các cường quốc cùng các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng. Nó đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, song chưa trọn vẹn vì mới giải phóng được miền Bắc. Cuộc đấu tranh cách mạng vẫn phải tiếp tục nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ở chiến trường Bình Thuận, Hiệp định Giơnevơ được ký cũng đem đến sự bất ngờ đối với cán bộ chiến sĩ và nhiều nhân dân trong tỉnh. Trong lúc này, tại Hố Đất-Bàu Trắng (nay thuộc huyện Bắc Bình) đang diễn ra cuộc “học tập chỉnh huấn” của 200 cán bộ trung - cao cấp của Bình Thuận và Ninh Thuận để chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng tấn công. Đêm 20/7/1954 là đêm vừa bế mạc lớp học vừa nghe Lệnh ngừng bắn, hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, vĩ tuyến Nam-Bắc là sông Bến Hải, tâm tư tình cảm không thể nói hết được, có nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến suốt 9 năm bây giờ phải giao miền Nam ruột thịt và giao cả vựa lúa cho thực dân Pháp. “Suốt ngày hôm ấy vừa buồn vui lẫn lộn, ai đi, ai ở, đi đâu và là gì? ở lại làm gì? Kẻ địch có thi hành đúng hiệp định không? Bắt bớ trả thù người kháng chiến cũ không?... nhân dân rất lo âu và buồn bã, các chị các mẹ tự tìm đến bộ đội để thăm hỏi tình hình…”[1]
Từ tỉnh Bình Thuận, bộ phận phía Bắc tỉnh, bộ đội và cán bộ tập trung tại Giếng Triềng, ở phía Nam tập kết tại Hàm Tân. Hiệu lực ngừng bắn không rõ ngày giờ. “Chúng tôi là loại cán bộ được phân công ở lại hoạt động bí mật, khi nhận nhiệm vụ rồi, về nhà và vào rừng cất giấu máy móc, giấy tờ tài liệu, không được trực tiếp với lực lượng tập kết chuyển quân nên không biết quang cảnh thế nào, sau này nghe nói lại. Nhưng các đồng chí lãnh đạo trực tiếp với chúng tôi khi ra đi chỉ đưa hai ngón tay chào, có nghĩa là đấu tranh cho 2 năm hiệp thương tổng tuyển cử, còn chúng tôi cứ lo lắng với nhiệm vụ của mình nhưng cảm thấy mình đã thiếu đi một cái gì chưa nói được”[2].
Tình hình quân đội, cán bộ, chiến sĩ ta ở vị trí tập kết Bình Tân (Hàm Tân), bọn tề ngụy cũ nhóm họp đe dọa gia đình cán bộ, chúng buộc số có chồng con là kháng chiến cũ phải ra trình diện. Quân đội ngụy gọi đi tiếp quân, thực chất là đi càn quét, gom dân các vùng kháng chiến cũ, thành lập các Hội tổng hương chính, bắt bớ, tra khảo cán bộ, nhân dân ta, trả thù người kháng chiến cũ, mua chuộc dụ dỗ, tổ chức tề điệp, thành lập cái gọi là “Ngũ gia thập gia liên bảo”. Buổi sáng, chúng đến gặp dân tiếp quân tổ chức, tối lại họp dân giải thích xung quanh hiệp định đấu tranh phản đối hành động vi phạm hiệp định. Những cuộc đấu tranh chính trị, đấu lý giữa nhân dân ta với bọn chúng nổ ra liên tiếp, bước đầu chúng cũng có nhượng bộ, đấu tranh chính trị không khắc phục được, nhiều cụ già chờ khi chúng đến họp liền đấu lý về hiệp định, điển hình như cụ Học, cụ Chí, cụ Năm Ngô…
Cuối năm 1954, địch tập trung khủng bố, chọn bắt một số cán bộ kháng chiến cũ như Bách Tùng, ông Già Tiên ở Hàm Thạnh… Nhân dân nhiều nơi nổ ra cuộc đấu tranh giành giữ cán bộ, giằng co với địch, tiêu biểu như nhân dân ở Triềng, Tam Giác, Hàm Thạnh, Hàm Phú… Đầu năm 1955, Tỉnh ủy họp chủ trương chấp hành triệt để các văn kiện Hiệp định Giơnevơ, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chính trị hợp pháp đòi tôn trọng hiệp định, không bắt bớ, trả thù người kháng chiến cũ, chuẩn bị tổng tuyển cử hiệp thương vào năm 1956; đồng thời xây dựng thực lực cách mạng để đấu tranh cho hiệp thương… Đến tháng 7/1955, chỉ đạo chung của tỉnh tại Hàm Tân mà trọng tâm là La Gi nổ ra một cuộc đấu tranh lớn: chống khủng bố, bắt bớ trả thù người kháng chiến cũ, mừng 1 năm Hiệp định Giơnevơ; đòi hiệp thương tổng tuyển cử vào ngày 20/7/1956, đòi quan hệ bình thường giữa hai miền Nam-Bắc, đòi được tự do đi lại làm ăn thăm viếng gia đình. Tất cả các cơ sở của ta đều dốc hết sức lực tập trung cho cuộc đấu tranh này, công tác chuẩn bị suốt 2 tháng, cơ sở đưa băng rôn, truyền đơn, khẩu hiệu vào, tổ chức tuyên truyền, vận động với sự tham gia nô nức của nhân dân. Đến giờ G, tại La Gi xuất hiện 32 băng rôn, hàng trăm cờ và truyền đơn; tại Tân Thuận, hàng chục băng rôn, hàng trăm cờ, truyền đơn xuất hiện, biểu tình và chất vấn nhà cầm quyền. Địch dùng cảnh sát và bọn cần lao nhân vị đàn áp.
Sau cuộc đấu tranh vào tháng 7/1955, địch tố cộng đợt I, chúng truy bắt hàng loạt cán bộ cơ sở ta do bọn cần lao nhân vị đứng ra đàn áp, nhiều cơ sở bị bắn, bị tra tấn, nhưng một mực không khai báo cho địch. Đợt khủng bố lần này hầu hết cơ sở ở La Gi bị bắt, bị vỡ. Các hoạt động bắt đầu chuyển vào chiều sâu, củng cố và khôi phục đến đầu năm 1957.
Vào những tháng cuối năm 1956, chúng ta chủ trương chuyển đại bộ phận cán bộ đương hoạt động bí mật bất hợp pháp ra ăn ở công khai để hoạt động, chấm dứt thời kỳ đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, chống bóng tối, núi rừng. Từ sau 1956 trở đi, không có hiệp thương tổng tuyển cử, nhưng cuộc đấu tranh cách mạng ở tỉnh ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh tiếp tục chuyển biến tiến lên, góp công cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng phóng quê hương, thống nhất đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. Ý kiến của đồng chí Nguyễn Ngô (Sáu Ninh) gửi đồng chí Phan Minh Đạo và Tiểu ban Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
2. Bản góp ý Lịch sử Đảng bộ Bình Thuận của đồng chí Phạm Hoài Chương, tháng 10/1995.
[1] Ý kiến của đồng chí Nguyễn Ngô (Sáu Ninh) gửi đồng chí Phan Minh Đạo và Tiểu ban Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tr. 2.
[2] Ý kiến của đồng chí Nguyễn Ngô (Sáu Ninh), gửi đồng chí Phan Minh Đạo và Tiểu ban Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tr. 3.