Quá trình nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

       Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế vừa chịu sự chi phối bởi những nguyên tắc và quy luật của thị trường, và cả những nguyên tắc và bản chất xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế đó vừa có đặc trưng chung của nền kinh tế thị trường, vừa có đặc thù của tính định hướng xã hội chủ nghĩa.

       Qua gần 30 năm đổi mới đất nước, những thành tựu kinh tế - xã hội của nước ta cho thấy sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc đặt trọng tâm vào đổi mới về kinh tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

       Đại hội VI (tháng 12/1986) trên cơ sở đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Văn kiện Đại hội VI đưa ra luận điểm quan trọng về phát triển nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội – coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, mang tính quy luật từ sản xuất nhỏ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng lần thứ VII, lần VIII và Cương lĩnh năm 1991 đều tiếp tục nhất quán quan điểm “phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

       Đại hội IX (tháng 4/2001) lần đầu tiên đưa ra mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Văn kiện Đại hội IX chỉ rõ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Nói cách khác, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quan điểm này được thể hiện nhất quán từ Đại hội Đảng lần IX đến lần thứ XI và có thể coi đây là bước đột phá trong tư duy lý luận cách mạng Việt Nam.

       Trong nội dung Văn kiện Đại hội X (tháng 4/2006) định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta là “thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại hội lần thứ X của Đảng đã làm sáng tỏ thêm một bước nội dung cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta: mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nhằm: thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người; phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

       Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một kiểu tổ chức kinh tế của một xã hội đang trong quá trình chuyển biến nền kinh tế còn ở trình độ thấp sang nền kinh tế ở trình độ cao hơn, hướng tới chế độ xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa. Đây là nền kinh tế thị trường có tổ chức, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường đó được định hướng cao về mặt xã hội, hạn chế tối đa những khuyết tật của tính tự phát thị trường, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của đại đa số nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Sự hình thành tư duy của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự phát triển và vận dụng sáng tạo những nguyên lý của học thuyết Mác – Lê nin, quy luật chung của phát triển kinh tế thị trường vào hoàn cảnh cụ thể; là kết quả quá trình tìm tòi thể nghiệm, tổng kết từ thực tiễn đổi mới sinh động của đất nước. Đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường của các nước trên thế giới, trong đó có kinh nghiêm phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Việc khẳng định mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” hoàn toàn không phải là thổi phồng đặc điểm dân tộc, hay cố làm cho dị biệt, chủ ý đi theo “con đường riêng”, càng không phải gán ghép khiên cưỡng, chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội theo như “luận điệu chống phá” của các thế lực thù địch.

       Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn có sự đan xen và đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, vừa có và chưa có đầy đủ các yếu tố của chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa mang tính chất chung của nền kinh tế thị trường, vừa có những tính chất đặc thù, dựa trên nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Trong đó, vai trò của Nhà nước thực hiện 3 chức năng cơ bản nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế tối thiểu tiêu cực của nền kinh tế thị trường gồm: định hướng phát triển nền kinh tế và tạo môi trường cho nền kinh tế phát triển (chính phủ xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân, tạo môi trường pháp lý, môi trường kinh tế - xã hội để nền kinh tế thị trường phát triển.); quản lý phân phối thu nhập và nguồn lực; giải quyết các vấn đề xã hội để bảo đảm nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

       Qua gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt nhiều kết quả và thành tựu. Kinh tế thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng, hoạt động ngày càng năng động và có hiệu quả. Điều đó chứng minh Đảng đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, để tìm ra những bước đi thích hợp, kịp thời đề ra những mục tiêu, phương hướng và giải pháp cụ thể để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó thực sự là cuộc cách mạng mang tính thời đại mà Đảng ta đang thực hiện./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT