Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững – vấn đề còn nhiều khó khăn, thách thức

       Ngay khi giành được chính quyền (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sách lược kiến quốc, Người đã rất quan tâm đến vấn đề đói nghèo. Người cho rằng nhiệm vụ của cách mạng sau khi giành được chính quyền là phải tập trung để diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người luôn trăn trở làm thế nào dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành đầy đủ để rồi xây dựng một xã hội: “Người nghèo đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”.

       Trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (ngày 10/1/1946). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ:” Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cư chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng chẳng để làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được an no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn; Làm cho dân có mặc; Làm cho dân có chỗ ở; Làm cho dân có học hành.

       Thời gian qua, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả nhất định. Những năm gần đây, bình quân giảm hàng năm trên 3.300 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 1,5%. Bình Thuận là một trong 19 tỉnh, thành trong cả nước có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Đó là vẫn còn 8 xã có số hộ nghèo từ 20% trở lên như: Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) 29,81%, La Dạ (Hàm Thuận Bắc) 27,98%, Phan Sơn (Bắc Bình) 25,47%, Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) 24,01%, Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) 23,65%, La Ngâu (Tánh Linh) 23,27%, Măng Tố (Tánh Linh) 20,53%, Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) 20,12%. Phần đông đối tượng mới thoát nghèo có mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo nên có nguy cơ tái nghèo rất cao, nhưng hiện tại chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ gì cho họ để bảo đảm cho họ thoát nghèo bền vững, chống tái nghèo. Phải nói rằng, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội cho xóa đói giảm nghèo là rất lớn. Trong 3 năm gần đây, ngân sách đã đầu tư trên 343 tỷ đồng để thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo; thực hiện tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo trên 1.476 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số quản lý sử dụng trên 15.000 ha đất, trên 86.400 ha rừng; ngân sách đầu tư trên 45,8 tỷ đồng dạy nghề cho trên 30.000 lao động nông thôn…

       Điều gì khiến cho nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội rất lớn nhưng hiệu quả chưa đem lại như mong muốn? Phải chăng là do chính sách đầu tư còn dàn trải, manh mún? Phải chăng có quá nhiều chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, người nghèo nên một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng? Phải chăng trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện giảm nghèo, nhất là ở cơ sở chưa thật sự tích cực, chặt chẽ, thiết thực và phù hợp ?... Có thể khẳng định là ít hay nhiều, nơi này hay nơi khác đều có những nguyên nhân trên.Để giảm nghèo bền vững phải xác định xóa đói nghèo phải đi đôi với chống tái nghèo. Qua tình hình thực tế cho thấy, trong hỗ trợ người nghèo có tình trạng chính sách còn dàn trải, thiếu thực tế, ai nghèo cũng được hỗ trợ. Điều này đã làm cho hiệu quả của việc giảm nghèo có lúc phản tác dụng, khuyến khích người nghèo lười lao động. Do vậy cần phải căn cứ nguyên nhân đói nghèo để phân loại người nghèo thành những nhóm khác nhau như nhóm có khả năng sản xuất nhưng thiếu vốn, kỹ năng lao động; nhóm bị ảnh hưởng thiên tai, bệnh tật; nhóm không có khả năng lao động như người già, người có công; nhóm có khả năng lao động, có sức khỏe nhưng lười lao động (Thanh niên). Từ đó, sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp và hạn chế tâm lý "xin được nghèo”. Phải thống nhất quan điểm “Việc hỗ trợ giúp đỡ người nghèo là việc làm nhân đạo nhưng về lâu dài, phải tạo ra động cơ, động lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo”.

       Giảm nghèo có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào cách triển khai. Hiện nay, nhiều chương trình giảm nghèo còn cơ chế tổ chức thực hiện chồng chéo, manh mún, nhiều chi phí trung gian, cùng một loại vốn nhưng quá nhiều cấp, ngành, đoàn thể quản lý mà lại không chặt chẽ. Vì vậy cần xem xét, rà soát chính sách, sắp xếp lại theo hướng tập trung, giảm bớt văn bản để hệ thống chính sách giảm nghèo có độ bao phủ rộng, rõ thời gian, đối tượng. Một thực tế nữa là trong lúc những hộ thuộc diện nghèo được hưởng quá nhiều ưu đãi, thì những hộ mới thoát nghèo và cận nghèo lại không được (hoặc quá ít) sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, nên nguy cơ rớt nghèo và tái nghèo rất cao. Vì vậy Nhà nước và cộng đồng cần có những chính sách, quy định ưu đãi cụ thể về vốn vay, về đào tạo nghề, về bảo hiểm tế, về học hành của con em họ… để giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, có như vậy xóa đói, giảm nghèo mới thực sự bền vững.

       Trong Chiến lược phát triển kinh tế  xã hội 2011-2020, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra định hướng cơ bản: “Nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội. Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hoá các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn. Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, tăng nhanh số hộ có thu nhập trung bình khá trở lên. Có chính sách và các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế phân hoá giàu nghèo, giảm chênh lệch về mức sống giữa nông thôn với đô thị”. Chỉ tiêu phấn đấu cụ thể: “Tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm” dựa trên cơ sở sự định hướng chiến lược “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển; điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư”.      


Các tin khác