42 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Thuận (1975 - 2017)

       Qua 42 năm, nhất là từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức xây dựng và phát triển tỉnh nhà đạt được nhiều thành tích quan trọng; trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,6% (nhóm nông lâm thuỷ sản tăng 7,0%; nhóm công nghiệp, xây dựng tăng 17,7%; nhóm dịch vụ tăng 13,7%). Riêng năm 2016, do tác động của kinh tế thế giới; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm chủ yếu của tỉnh còn thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu, hạn hán kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nên tốc độ tăng GRDP chỉ đạt 7,4% (KH 7,5%). 

       Mặc dù Bình Thuận là một tỉnh khô hạn, hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế nhưng 42 năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, ra sức xây dựng và phát triển tỉnh nhà đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nổi rõ nhất là:

       Đã và đang biến tỉnh nhà từ một tỉnh khô hạn trở thành một tỉnh căn bản chủ động về nước. Nét sáng tạo ở đây là tỉnh đã có chủ trương “nối mạng thủy lợi”, mặc dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn về địa hình, nhưng đã tạo được sự liên thông giữa các hồ và xây dựng hệ thống kênh mương đều khắp các vùng sản xuất. Nhờ vậy, công suất tưới thực tế của các hồ thủy lợi tăng từ 1,5 đến 2 lần công suất thiết kế. Diện tích lúa được tưới chủ động từ 8,4% (năm 1991) lên xấp xỉ 80% (năm 2015) đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng niềm khát khao cháy bỏng từ bao đời nay của người dân Bình Thuận.

       Là tỉnh khô hạn, nắng, gió nhiều, nhiều vùng bị sa mạc hóa, tỉnh đã từng bước biến những khó khăn, thách thức ấy thành những lợi thế của tỉnh như: vùng khô hạn, tỉnh chủ trương trồng các loại cây chịu nắng tốt như: thanh long, cây trôm; vùng cát phát triển nuôi dông, có nơi trồng thanh long; vùng gió nhiều thì phát triển điện gió; trên biển lợi dụng gió phát triển các môn thể thao trên biển, thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế... Nhờ có thủy lợi và với những hướng đi đúng đắn, phù hợp ấy: Tiềm năng về du lịch, công nghiệp, đặc biệt là tiềm năng nông nghiệp được khai thác ngày càng tốt hơn.

       Kinh tế Bình Thuận liên tục tăng trưởng với tốc độ khá. Các sản phẩm truyền thống và du lịch như: Nước mắm Phan Thiết, nước suối Vĩnh Hảo, thanh long, tôm giống, Khu du lịch Hòn Rơm - Mũi Né... tiếp tục giữ vững thương hiệu. Thu ngân sách hàng năm đều tăng, từ 140 tỷ đồng/năm (năm 1992) tăng lên 8.610 tỷ đồng/năm (năm 2016). Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu như: thủy lợi, giao thông, trường, trạm, điện, nước sạch, cảng biển... được tập trung đầu tư; nhờ đó, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng thay da đổi thịt rõ rệt.

       Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa không ngừng phát triển. Chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người nghèo luôn được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã căn bản hoàn thành mục tiêu xây, sửa nhà ở cho gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,2%.

       Là một tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả 02 Nghị quyết: Nghị quyết về phát triển toàn diện dân sinh - kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị quyết về đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Với những chính sách thiết thực trên đã làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển mình mạnh mẽ.

       Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được đầu tư hoàn chỉnh. Kinh tế phát triển khá vững vàng, chấm dứt được tình trạng du canh du cư; sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm đẩy mạnh; đời sống bà con ngày càng ổn định, số hộ nghèo giảm từ 32,05% (năm 2005) xuống còn 12,9% (năm 2015).

       Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng khá căn bản, số lượng, chất lượng nâng lên. Đến nay, 100% cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số, hoạt động đạt hiệu quả ngày càng cao hơn.

       Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên ngày càng đi vào thực chất; phong cách lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên được đổi mới. Trong xây dựng chính quyền, chuyển biến rõ nhất là tỉnh đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền.

       Hệ thống Mặt trận và các đoàn thể đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, sát cơ sở hơn, đã góp phần củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

       Phong trào thi đua yêu nước đã được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, liên tục phát động gắn liền với thường xuyên sơ, tổng kết nhân điển hình tiên tiến. Cùng với các phong trào chung như: Đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang cũng đã có nhiều phong trào thi đua cụ thể, phù hợp….được đông đảo nhân dân hưởng ứng mang lại hiệu quả tốt.

       Mặc dù đạt nhiều thành tựu, nhưng nhìn chung nền kinh tế Bình Thuận tăng trưởng chưa thật sự ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh thấp; tình trạng thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất chưa được khắc phục do nguồn vốn huy động thấp trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn. Công nghiệp nông thôn phát triển chậm. Thị trường xuất khẩu chưa thật ổn định. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu học tập và lao động của nhân dân.

       42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận và các địa phương trong tỉnh là dịp để chúng ta cùng ôn lại những trang sử vẻ vang, hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam, của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bình Thuận và thể hiện sự tri ân về những cống hiến và sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí, đồng bào cùng các thế hệ cha anh đi trước để cùng nhau tiếp nối và phát huy hơn nữa trong sự nghiệp cách mạng mới hiện nay; nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, quê hương; đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn về các giá trị truyền thống lịch sử của thế hệ cha anh đi trước, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

       Càng tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc, của quê hương thì càng phải nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm để vận dụng và phát triển những bài học và kinh nghiệm quý giá trong cách mạng giải phóng dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 vào sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./. 


Các tin khác