Kỷ niệm 59 năm ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ 20/7/1954-20/7/2013: Hai nhiệm vụ và 4 vấn đề cốt tử quyết định đánh bại quân xâm lược Pháp tại Bình Thuận

  • /
  • 19.7.2013 - 16:28

Nhằm kéo dài chiến tranh ở Đông Dương, đồng thời giành lại thế chủ động trên chiến trường, Pháp đã đề ra kế hoạch Na-va (Na-va: tên vị tướng Pháp-tham mưu trưởng lục quân của Khối Bắc Đại Tây Dương) với thời gian 18 tháng chia thành hai bước thực hiện nhằm bình định miền Nam, đánh chiếm vùng giải phóng của ta ở Bắc bộ và kết thúc chiến tranh.

               Trước tình hình địch chuyển hướng chiến thuật đánh phá cách mạng, Nghị quyết lần thứ hai và thứ ba sau Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951) chỉ rõ: “Ra sức phá âm mưu của địch lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt, kiên quyết giành lại vùng nông dân nhiều của, biến những vùng ấy thành những vùng kháng chiến của ta; chia vùng sau lưng địch thành hai vùng với phương châm hoạt động khác nhau-vùng tạm chiếm lấy gây cơ sở, đấu tranh chính trị và kinh tế làm nội dung chính, vùng du kích lấy đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, kinh tế.

 Để triển khai các chủ trương trên, tháng 8-1952, tại căn cứ Khu Lê Hồng Phong, Bình Thuận, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 được tổ chức và thông qua hai nhiệm vụ và 4 vấn đề cốt tử mà Đảng bộ phải lãnh đạo thực hiện trong thời gian tới. Hai nhiệm vụ là: Tích cực tranh thủ đoàn kết nhân dân, phát triển du kích chiến tranh, chống âm mưu dồn dân bắt lính của địch, bồi dưỡng lực lượng của ta; gắn với quần chúng để xây dựng Đảng trong sản xuất và chiến đấu. Về 4 vấn đề cốt tử: Rèn luyện tinh thần cách mạng và thực hành cách mạng; trau dồi đạo đức cách mạng; Đảng chỉ đạo quân sự và du kích chiến tranh; đoàn kết nhân dân. Đại hội Đảng bộ tỉnh được tổ chức vào lúc phong trào cách mạng đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Đồng thời, đòi hỏi Đảng phải đáp ứng yêu cầu lãnh đạo kịp với nhiệm vụ kháng chiến của nhân dân trong tình hình mới. Trên cơ sở 2 nhiệm vụ và 4 vấn đề cốt tử đã đề ra, đến cuối năm 1953, toàn tỉnh đã có 6.140 đảng viên và mỗi xã trong vùng địch tạm chiếm có từ 30-40 đảng viên. Về công tác giáo dục tư tưởng từ cuối 1952 đến cuối 1953, tỉnh mở 4 lớp học tập lời Hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho 400 cán bộ, 650 chi ủy viên và phân chi ủy viên, 3.000 đảng viên. Công tác vùng tạm chiếm cũng có những chuyển biến tích cực. Qua thực tế rèn luyện và học tập bồi dưỡng, đa số cán bộ, đảng viên được nâng cao một bước về nhận thức, quan điểm, lập trường cũng như phương pháp công tác cách mạng. Bên cạnh đó, công tác vùng tạm bị địch chiếm cũng có nhiều chuyển biến tích cực: Phong trào từ chỗ cơ sở bị vỡ lỡ nhiều, đến nay phần lớn đã được khôi phục lại, một số nơi có phát triển thêm, chất lượng chính trị qua sàng lọc có vững vàng hơn. Một số nơi ta xây dựng cơ sở trong vùng địch hậu khá như: Hàm Thuận có 1.000, Phan Thiết có 400. Việc thực hiện chính sách ruộng đất trong vùng làm chủ cũng được đẩy mạnh, là một thành công lớn của cách mạng tỉnh nhà, nông dân phấn khởi đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhiều vùng được mùa như Tánh Linh, Hàm Thuận. Cùng với tăng gia sản xuất, lực lượng tập trung cơ động của tỉnh được bổ sung, trang bị khí tài khá đầy đủ và tham gia đánh địch ở Tam Giác, Bình Lâm, An Lâm; tấn công địch trong các động bót vững chắc như Căng É-sé-pic, Mương Mán, Sông Quao. Đặc biệt, sau khi đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Trung ương Cục miền Nam từ Nam bộ ra góp ý kiến chỉ đạo và để người ở lại xây dựng lực lượng đặc công, trận đánh đặc công đầu tiên ở Bình Thuận tại Ngã Hai vào ngày 18/9/1952 mở ra một lối đánh mới: Lấy ít địch nhiều, luồn sâu, diệt gọn có hiệu quả. Binh chủng này đã phối hợp tác chiến cùng với bộ đội địa phương góp phần giữ vững căn cứ kháng chiến ở Bắc Bình, Hàm Thuận, Hàm Tân, Khu Lê Hồng Phong. Trong thời gian này, những trận đánh lớn có tiếng vang trên chiến trường Bình Thuận như: Trận Căng É-sé-pic, trận đánh vào nhà hàng Xê-ra-uy (Phan Thiết), đánh vào tiểu khu Mương Mán, trận tập kích nhà hàng Liên Thành và tiêu diệt tiểu khu Mũi Né… Những thắng lợi trong chính sách ruộng đất ở vùng nông thôn, trong đánh địch và nhất là lực lượng kháng chiến được phát triển nhiều mặt, tạo điều kiện cho nhân dân tỉnh nhà bước vào năm 1954 giành được nhiều thắng lợi.

             Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và tháng 6-1954 quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo cụ thể các mặt, các hướng, các điểm tấn công địch và công tác dân vận trong và sau khi giải phóng. Sau một thời gian chuân bị, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định tiêu diệt tiểu khu Tánh Linh là một vùng yếu của địch và các cứ điểm La Dày, Gia Bát bằng chiến thuật đặc công. Tiếp đó, ta đồng loạt nổ súng ở mặt trận phía Tây của tỉnh. Thừa thắng, ta tiêu diệt luôn đồn Lút-xe, Đa Cai, Suối Kiết, Sông Phan giải phóng Tánh Linh và một phần huyện Blao, Di Linh (Lâm Đồng). Tiếp đến, giữa năm 1954, ta liên tục tấn công các cứ điểm địch ở phía Bắc tỉnh và tiêu biệt đồn Lương Sơn, đồn Duồng, tiểu khu Long Hương, đồn Sông Lũy và các bót Đại Hòa, đồn Sông Lồng Sông, đồn Bàu Gia (Hàm Thuận), và đêm 31-7-1954 tấn công đồn Sông Dinh và đây là trận đánh cuối cùng của quân dân Bình Thuận trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong vòng 5 tháng đầu năm 1954, quân dân tỉnh nhà đã diệt 12 cứ điểm, nhiều tháp canh và gần 2.000 tên địch. Đây là đợt hoạt động giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định và phối hợp với chiến trường chính đánh bại quân xâm lược Pháp giành thắng lợi. Sau thất bại ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), thực dân Pháp chấp nhận ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Quân và dân Bình Thuận thực hiện Hiệp định, chuyển quân tập kết ra miền Bắc, tạm giao quê hương cho địch kiểm soát, sau hai năm tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng với bản chất ngoan cố và âm mưu xâm lược nước ta từ trước, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định, đưa quân vào xâm lược miền Nam nước ta, quân dân Bình Thuận dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã cùng nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến ngày thắng lợi cuối cùng vào năm 1975.

 

                                                                 Thái Sơn


  • |
  • 785
  • |

Các tin khác