Vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam

  • /
  • 16.1.2012 - 9:2

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ năm 1995 đến cuối năm 2010, có trên 294.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài hoặc với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thuộc trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nhất là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Canađa, Pháp, Ôxtrâylia, Thụy Điển, Trung Quốc…

              Trong đó có trên 80% phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Chỉ có khoảng 20% trường hợp đàn ông Việt Nam kết hôn với phụ nữ nước ngoài. Việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người Đài Loan, Hàn Quốc tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nam Bộ như: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng và một số tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, trong đó chỉ có 7% hôn nhân xuất phát từ tình yêu, còn lại là những lý do khác, nhiều nhất là lý do kinh tế. Theo khảo sát của Viện Khoa học lao động-xã hội, 3/4 phụ nữ lấy chồng nước ngoài xuất thân từ gia đình có 5 con trở lên; 1/3 gia đình phụ nữ lấy chồng nước ngoài có mức thu nhập không đủ sống trước khi kết hôn; 86% phụ nữ lấy chồng nước ngoài có trình độ chưa qua tiểu học và hoàn toàn không được đào tạo nghề. Cũng có một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế trung bình, thậm chí khá giả vẫn muốn lấy chồng nước ngoài. Nhiều phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng mà không đăng ký kết hôn, riêng tỉnh Hải Dương có khoảng 4.600 trường hợp, tỉnh Lạng Sơn có 4.800, tỉnh Thái Bình có 4.200...Ngoài ra, có tình trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thông qua hoạt động môi giới bất hợp pháp, khiến hàng ngàn phụ nữ sau khi kết hôn lâm vào hoàn cảnh sống khó khăn, bị ngược đãi, bị buôn bán với mục đích mại dâm, thậm chí bị đánh đập dẫn đến thương tật suốt đời hoặc tử vong. Đây là những cuộc hôn nhân “4 không”: không tình yêu; không biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; không biết tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của đối tượng đến cầu hôn. Việc kết hôn không xuất phát từ tình yêu, không chỉ làm tăng nguy cơ mất cân bằng giới tính và độ tuổi kết hôn, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ Việt Nam mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục và mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ mà phụ nữ Việt Nam đã kết hôn.
            Để khắc phục tình trạng này, các địa phương phải phối hợp với các ngành chức năng có nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng cường quản lý nhà nước về hôn nhân, gia đình. Kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình nói chung, trong đó có vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Hình thành mạng lưới các cơ sở hỗ trợ hôn nhân ở các địa phương để đáp ứng nhu cầu về tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ gia đình, kể cả tư vấn hôn nhân trong nước và nước ngoài. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý triệt để, kịp thời và nghiêm minh mọi hành vi, vi phạm về hôn nhân, gia đình, nhất là các hoạt động môi giới lấy chồng bất hợp pháp. Nhà nước đàm phán và ký kết với các nước các hiệp định song phương về tương trợ tư pháp. Đối với những nước có nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng cần ký các hiệp định riêng biệt về hôn nhân có yếu tố nước ngoài để cùng hợp tác bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam.
Làm tốt công tác truyền thông-giáo dục. Chú trọng truyền thông- giáo dục về pháp luật và các kiến thức cần thiết. Cung cấp thông tin chính thức, trung thực về luật pháp, chính sách, phong tục, tập quán và văn hóa của các quốc gia và vùng lãnh thổ mà phụ nữ đang muốn lấy chồng để họ và gia đình biết, có cơ sở quyết định đúng đắn về hôn nhân. Tăng cường các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, tạo ra nhiều cơ hội học nghề, việc làm cho phụ nữ nông thôn. Thực hiện đồng bộ các chính sách việc làm, giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo ở những nơi có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng và các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là nữ thanh niên, có điều kiện tiếp cận thông tin, nâng cao dân trí, có quan niệm và nhận thức đúng về hôn nhân, gia đình. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn tệ môi giới, lừa đảo phụ nữ lấy chồng người nước ngoài, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Chú trọng giáo dục từ gia đình, dòng họ về nếp sống, gia phong để hình thành nhân cách, nâng cao bản lĩnh sống, giúp phụ nữ tăng khả năng thích ứng trước những biến động, rủi ro khi ra đời.
Tăng cường vai trò trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… trong việc giúp đỡ, tương trợ những phụ nữ lấy chồng nước ngoài vì hoàn cảnh éo le phải trở về nước để biến thực trạng hôn nhân “4 không” thành hôn nhân “5 biết”: biết văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; biết tình trạng sức khỏe; hoàn cảnh gia đình của đối tượng sẽ kết hôn và hiểu biết pháp luật về hôn nhân gia đình; biết về thực trạng những cuộc hôn nhân nước ngoài thành công và thất bại của những chị em đi trước, từ đó xây dựng hôn nhân trên nền tảng có tình yêu sự hiểu biết và cảm thông chia sẻ.
                                                                             Bích Hoàn


  • |
  • 4335
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ