Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Văn Tiến Dũng (02/5/1917 - 02/5/2017)

       Đồng chí Văn Tiến Dũng, bí danh Lê Hoài, sinh ngày 02/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) thành phố Hà Nội. 

       Sinh trưởng trong một gia đình công nhân nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ (mẹ lâm bệnh nặng, mất sớm; cha phải đi làm gác cổng ở nhà thương Phủ Doãn, bị đau yếu và mất năm đồng chí mới 14 tuổi). Ngay từ nhỏ đồng chí đã được chứng kiến tận mắt những cảnh khổ đau, cơ cực của người dân mất nước và sớm được giác ngộ cách mạng. Vì thế, từ năm 1936, mới 19 tuổi, đồng chí đã tham gia cách mạng, làm công nhân cho các xưởng dệt ở phố Hàng Đào và phố Hàng Bông, tham gia tích cực vào phong trào dân chủ và các cuộc đấu tranh công khai của công nhân thành phố Hà Nội.

        Với sự nhiệt huyết, hăng say của tuổi trẻ, được lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng yêu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi đường, được các bậc tiền bối cách mạng của Đảng dìu dắt, đồng chí Văn Tiến Dũng đã hăng hái hoạt động trong phong trào công nhân, không sợ hy sinh, gian khổ, say mê tự học tập, rèn luyện, phấn đấu và ngày càng trưởng thành. Do có những cố gắng vượt bậc và những đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh của công nhân Thủ đô, chỉ hơn một năm sau ngày tham gia cách mạng, tháng 11 năm 1937, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Mùa đông năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư chi bộ thợ dệt thành phố Hà Nội, với vai trò vừa là người đứng đầu tổ chức chi bộ đảng, vừa là “hạt nhân” lãnh đạo nòng cốt của phong trào công nhân ngành dệt của Hà Nội thời kỳ 1936 - 1939.

       Năm 1939, ở tuổi 22, đồng chí được Trung ương quyết định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội và được cử làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội.

       Tháng 7-1939, đồng chí Văn Tiến Dũng bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ nhất, nhưng vì không có đủ chứng cứ buộc tội, sau 3 ngày đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động công khai giữa lòng địch. Tháng 9-1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, kết án tù 2 năm và đày đi nhà tù Sơn La. Trong nhà tù, đồng chí luôn thể hiện ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, không khuất phục kẻ thù; đồng chí tham gia chi ủy của chi bộ nhà tù.

       Tháng 9-1941, trên đường bị thực dân Pháp áp giải từ nhà tù Sơn La về Hà Nội, đồng chí đã mưu trí trốn thoát và tìm được tổ chức Đảng ở Hà Nội để tiếp tục hoạt động. Thời điểm này, do thực dân Pháp khủng bố phong trào cách mạng rất khốc liệt, đồng chí bị mất liên lạc với tổ chức Đảng, đã tự hoạt động gây cơ sở cách mạng ở vùng Mỹ Đức (tỉnh Hà Đông). .

       Đầu tháng 3-1943, đồng chí tiếp tục liên lạc được với tổ chức Đảng và được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự đảng tỉnh Hà Đông. Trên cương vị mới là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã đề ra chủ trương khôi phục lại cơ sở, củng cố tổ chức, mở rộng Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng rộng khắp trong quần chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn nhiều cơ sở Việt Minh được thành lập và tái thành lập lại, trong đó có một số cơ sở bị địch khủng bố, tổn thất rất nặng nề đã được khôi phục và tiếp tục hoạt động mạnh như ở Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai và huyện Phú Xuyên.

       Cuối tháng 6-1943, đồng chí được bổ sung vào Xứ ủy Bắc Kỳ và được Trung ương giao thêm nhiều nhiệm vụ mới. Tháng 1-1944, đồng chí được Trung ương điều động làm Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh và đến đầu tháng 8-1944, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

       Tháng 8-1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ 3. Không chịu khuất phục trước cảnh giam cầm, tra tấn dã man của kẻ thù, đồng chí quyết tâm tổ chức vượt ngục. Đến tháng 12-1944, đồng chí vượt ngục thành công, bí mật liên lạc với tổ chức Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng. Vào tháng 1-1945, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

       Tháng 4-1945, đồng chí được Trung ương cử làm Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (còn được gọi là Bộ Tư lệnh miền Bắc Đông Dương) trực tiếp tổ chức chiến khu Quang Trung (gồm 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa) và kiêm Bí thư Khu ủy chiến khu Quang Trung, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh trên. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh chuẩn bị điều kiện, xây dựng lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh vùng ven Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ xây dựng, mở rộng và phát triển Mặt trận Việt Minh, phát động phong trào đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa giai đoạn (tháng 2/1943 - 3/1945); đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước (3/1945 - 8/1945), tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội vào ngày 19-8-1945 và trên toàn quốc vào cuối tháng Tám, năm 1945.

        Sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, đồng chí Văn Tiến Dũng được Trung ương cử ra lập Chiến khu 2, gồm 8 tỉnh Tây Bắc và Tây Nam Bắc Bộ, là Chính ủy Chiến khu, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Tháng 11-1946, đồng chí là Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (tổ chức tiền thân của Tổng cục Chính trị sau này) và là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

       Tháng 10-1949, đồng chí được cử làm Chính ủy, kiêm Tư lệnh Liên khu 3, Thường vụ Khu ủy khu 3. Năm 1951, làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320, hoạt động ở Đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 5-1954, làm Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến, thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam.

        Trong suốt 25 năm liên tục, từ tháng 11-1953 (giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ) đến tháng 5-1978, đồng chí giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

       Tháng 4-1975, đồng chí là Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

        Từ tháng 5-1978 đến tháng 12-1986, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất, rồi làm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

       Đồng chí Văn Tiến Dũng được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948, Thượng tướng năm 1959 và Đại tướng năm 1974. Đồng chí là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 2-1951); Ủy viên Trung ương, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa III (tháng 3-1960); Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng từ tháng 3-1972 đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3-1982). Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương phân công phụ trách chỉ đạo công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và biên soạn Lịch sử Quân sự.

       Đồng chí Văn Tiến Dũng là một trong những nhà lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng, Quân đội và nhân dân ta. Cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng, những đóng góp to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam là rất quý báu và quan trọng; là một nhà lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng và đất nước ta.

       Với trọng trách nhiều năm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Đại tướng đã cùng với Quân ủy Trung ương vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh không ngừng, góp phần to lớn vào sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt là, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975), với cương vị là Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cống hiến xuất sắc cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

       Trên một nửa thế kỷ hoạt động cách mạng kiên cường, nhiều năm là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Quân đội,  Đại tướng Văn Tiến Dũng thực sự là tấm gương sáng của người cộng sản trung kiên, bất khuất, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

        Do công lao và thành tích to lớn đối với cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, nhiều Huy hiệu, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước ta và một số nước trao tặng. Cuộc đời cao đẹp và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đại tướng Văn Tiến Dũng là tấm gương sáng, mẫu mực./.

            


Các tin khác