Mục tiêu của Bình Thuận là chủ động đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ yêu cầu CNH-HĐH của tỉnh, phấn đấu trong các năm tới tăng cường công tác đào tạo nghề nhằm đảm bảo trên 50% lao động qua đào tạo, bao gồm cả đào tạo trên đại học. Riêng trong hệ thống khu vực công đã có nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Đây là sự đầu tư có trọng điểm, điều này nói lên tính chất, vị trí và vai trò của đội ngũ CBCC tác động trong đời sống xã hội, trong việc quản lý và phát triển KT-XH của địa phương.
Nhận thức rõ vai trò đào tạo, bồi dưỡng trong việc nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được quan tâm đúng mực nên mang lại những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã cử 7.278 cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, trong đó có 2.385 cán bộ, công chức được đào tạo lý luận chính trị - hành chính (cao cấp 335 người, trung cấp 2.050 người); 2.151 cán bộ được đào tạo đại học, trung cấp chuyên môn trong nước; 2.039 cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ ngoại ngữ; 563 cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài… Ngoài ra, tỉnh đã cử 77 cán bộ, công chức tham gia Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ của tỉnh (gọi tắt là Đề án 100) và Đề án 165 của trung ương. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã cử 324 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài, trong đó có 180/324 cán bộ nữ, chiếm 55,55%; 126/324 cán bộ, công chức đi đào tạo sau đại học là cán bộ trẻ dưới 35 tuổi, chiếm 38,88%. Tỉnh đang tiếp tục điều chỉnh, bổ sung để thực hiện mục tiêu của Đề án 100, tiếp tục đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài nhằm chuẩn bị đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu thành lập Trường Đại học Bình Thuận. Đội ngũ cán bộ qua đào tạo, bồi dưỡng đã được nâng chất lượng và cả trình độ về chính trị, quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ từng bước đáp ứng yêu cầu công việc.
Thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tụy phục vụ nhân dân; nhiệt tình trong công tác, có ý thức phấn đấu vươn lên, từng bước được chuẩn hóa, tiếp cận dần với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ được đào tạo cơ bản, có khả năng tiếp cận nhanh những kiến thức khoa học công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến. Đối với thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá nhằm phát huy hết tiềm năng của đội ngũ này đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Coi trọng và quản lý chặt chẽ, tuyển chọn đầu vào, khuyến khích đầu ra, bảo đảm bộ máy đủ khả năng thực thi nhiệm vụ; cho phép bổ sung ngoài chỉ tiêu biên chế một tỷ lệ nhất định nhằm thu hút những người có trình độ và kết quả đào tạo đạt loại giỏi, xuất sắc và thay dần số người nghỉ chế độ, đi học.
Bình Thuận đang trong thời kỳ xây dựng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, toàn bộ đội ngũ công chức trong bộ máy hành chính nhà nước tạo thành một nguồn lực lớn phục vụ cho quá trình tổ chức và hoạt động của tỉnh nhà. Đội ngũ công chức hành chính nhà nước có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản lý và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chúng ta tiến hành đổi mới toàn diện nền kinh tế được hơn 25 năm, những kinh nghiệm bổ ích trong việc đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh là một trong những tiền đề quan trọng chuẩn bị cho thời kỳ phát triển bứt phá tiếp theo.
Lê Thành