Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề được quan tâm đầu tư; việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gủi được chăm sóc ngày một tốt hơn, giúp người lao động nông thôn, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và lao động nghèo ở vùng đô thị, sau khi học nghề, phát huy được những kiến thức đã học để tìm được việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, vượt qua khó khăn, vững bước đi lên trong quá trình lập nghiệp, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn tỉnh hiện có 26 cơ sở, trong đó: có 16 cơ sở công lập, 09 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm dạy nghề và & Hỗ trợ Nông dân tỉnh và 02 cơ sở công lập khác.
Nhiều Trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ, các xã, phường, thị trấn, các hội, đoàn thể để tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của xã hội, bảo đảm tỷ lệ lao động có việc làm cao. Từ năm 2013 đến năm 2017, đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn là: 41.464/41.000 người, đạt 101,13% so với kế hoạch. Đào tạo nghề cho lao động nữ là: 21.176 người, chiếm tỉ lệ 51,07% so với tổng số đã đào tạo; đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn là: 24.878 người, chiếm tỉ lệ 60% so với tổng số đã đào tạo.
Số lao động nông thôn được vay vốn để giải quyết việc làm là 6.255 người với sô vốn vay khoảng 127 tỷ đồng. Tổng số người được hỗ trợ học nghề, tư vấn nghề nghiệp và việc làm là: 41.464 người, trong đó, số người được tăng mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại là: 11.115 người Số lượng người tham gia học nghề ngày càng tăng: tổng số người đã học xong là: 31.265 người, trong đó, số người có việc làm sau khi học nghề là: 29.072 người, đạt tỉ lệ có việc làm sau khi học nghề là: 92,98%.
Trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và cụ thể hóa triển khai thực hiện có kết quả Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Xác định các mục tiêu về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn để có các giải pháp phù hợp, gắn với thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn, đô thị mới tại địa phương. Bố trí nguồn ngân sách phù hợp cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, ven biển, ưu tiên cho người khuyết tật, người nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng tạo sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa nhà trường với người học và đơn vị sử dụng lao động.