Vai trò của người thầy giáo theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

       Sự nghiệp giáo dục đào tạo là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ là nhà giáo.

       Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề là đào tạo cán bộ cho nước nhà; là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa” thầy giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

       Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Thầy giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt chân lý thời đại, cho nên mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ.

       Hồ Chủ tịch luôn luôn đánh giá đúng và đề cao vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội. Người nhấn mạnh: “Những người thầy giáo tốt là những người vẻ vang nhất, là những anh hùng vô danh”. Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (vào tháng 10/1964) Người nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng Chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”, xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”.

       Muốn làm được điều đó, trước hết người thầy giáo phải cải tạo tư tưởng bản thân mình và “cần xây dựng tư tưởng dạy học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, với tinh thần cách mạng “tiên ưu hậu lạc”.

       Trên tinh thần nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, để xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình. Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi thì người đó là dốt nhất”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự mãn cho mình giỏi rồi mà dừng việc học lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải mình. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Ngoài việc nhắc nhở các thầy giáo phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Người cũng lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng đó là học tập chính trị, vì “có học tập lý luận Mác - Lênin thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị mới làm nòng cốt công tác Đảng giao phó”.

       Trong giáo dục, Người nhắc nhở các thầy giáo và các nhà quản lý giáo dục cần quan tâm đến phương pháp giáo dục. Đặc biệt, Người rất quan tâm đến phương pháp nêu gương, “mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Theo Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học thì thầy giáo phải rèn luyện mình thêm trong thực tiễn đấu tranh của xã hội, tiếp thu lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ: “Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng cần tham gia vào những công tác xã hội ích nước lợi dân”. Những kiến thức thực tiễn đó mới thật là dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng thế hệ đang lớn lên.

       Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục và vị trí của giáo viên – người quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, trong những năm qua lãnh đạo Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố và Trường Chính trị tỉnh luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức và coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm và của trường. Thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành cho giáo viên về các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.

       Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy thường xuyên phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận mở các lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực cho cán bộ, giảng viên của trường và giảng viên kiêm chức của Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, bằng hình thức nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ để đánh giá rút kinh nghiệm, nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong soạn giảng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, khích lệ giảng viên trong việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác giảng dạy để thu hút sự tham gia của học viên, kích thích tính năng động, sáng tạo của học viên trong chiếm lĩnh tri thức. Mặt khác, để nâng cao chất lượng dạy học, đảm bảo sự gắn bó chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, ngoài việc tổ chức hội thảo khoa học, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và Trường chính trị tỉnh Bình Thuận đã tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đưa giảng viên tăng cường đi cơ sở tham quan học tập nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn trong và ngoài tỉnh để vận dụng vào giảng dạy.

       Thiết nghĩ, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận nơi thực hiện nhiệm vụ chính trị là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, đặc biệt là ở thời điểm tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; để xứng đáng là “người thầy” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi một giảng viên cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn những lời dạy quý báu của Người: “Người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình…”, có như vậy mới xứng đáng là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT