Nghiệm thu đề án “Sổ tay giao tiếp tiếng Việt - Chăm - K’Ho” dùng trong tỉnh Bình Thuận

       Ngày 26/9/2015 tại Hội trường Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh tiến hành nghiệm thu đề án “ Sổ tay giao tiếp tiếng Việt - Chăm - K’Ho dùng trong tỉnh Bình Thuận” do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy thực hiện. Đồng chí Phạm Ngọc Long - Tỉnh uỷ viên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng cùng với một số ngành liên quan tiến hành nghiệm thu đề án trên.

Đồng chí Phạm Ngọc Long - Tỉnh uỷ viên - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng

       Tại buổi nghiệm thu, thay mặt nhóm nghiên cứu, đồng chí Nguyễn Xuân Hoa - Phó Trưởng phòng Khoa giáo - Phó Trưởng Ban biên soạn Đề án - thư ký hội đồng nghiệm thu báo cáo tóm tắt quá trình biên soạn đề án. Theo đó đề án chia thành 02 tổ biên dịch: tổ biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Chăm gồm 03 đồng chí: Lư Thái Tuyên - Phó Trưởng Ban Quản lý Tháp PoSahinư, Qua Đình Vân Thái - Phát thanh viên và Dụng Văn Duy - phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh làm tổ trưởng; tổ biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng K’Ho gồm 02 đồng chí: Cờ Văn Giảng - Phó Trưởng phòng tuyên truyền Ban Dân tộc tỉnh làm tổ trưởng và K`Văn Gánh - giáo viên trường tiểu học Đông tiến - huyện Hàm Thuận Bắc. Đồng thời phân công đồng chí Nguyễn Xuân Hoa biên soạn, sưu tầm tài liệu từ các sổ tay đàm thoại như: Việt - Anh, Việt - Nhật, Việt Pháp, Việt - Hàn, Việt - Hoa, Việt - Thái…biên soạn thành 400 câu tiếng Việt phổ thông; 02 tổ biên dịch, dịch từ tiếng Việt sang tiếng Chăm và tiếng K’Ho. Mục đích của đề án là nhằm góp phần thiết thực và kịp thời vào việc giao tiếp, học và dạy tiếng phổ thông (tiếng Việt), tiếng Chăm và tiếng K’ho. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng ở vùng đồng bào dân tộc thuộc tỉnh Bình Thuận.

       Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đã đánh giá cao về những kết quả mà đề án đạt được. Hội đồng đã góp ý, trao đổi, thảo luận, đưa ra những vấn đề tồn tại và đề xuất giải pháp nghiên cứu khắc phục. Đây là đề án có giá trị xã hội và khoa học, có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, công tác nghiên cứu, hiểu về văn hóa dân tộc Chăm và K’Ho. Kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Ngọc Long đã đánh giá cao về tinh thần làm việc của Hội đồng đề án. Sau khi nghiệm thu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục chỉnh sửa các vấn đề còn tồn tại, hoàn thiện đề án trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến và ban hành đưa vào ứng dụng thực tế tại tỉnh.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT