Kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ở tỉnh Bình Thuận

       Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012, sau đây viết gọn là Nghị quyết Trung ương 4) được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng đặc biệt quan tâm theo dõi, ngay từ khi Nghị quyết ra đời cũng như trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.

       Nhìn lại gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, những kết quả đạt được tuy chưa đáp ứng được lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhưng đa số ý kiến đều cho rằng: Việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết lần này có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và thể hiện quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung và các nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết đã được cụ thế hoá bằng các kế hoạch, quy định, hướng dẫn… tương đối nhanh, kịp thời và khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh. Công tác chỉ đạo thực hiện cũng như nội dung, quy trình và cách làm có một số điểm mới, có tác dụng và đem lại một số kết quả bước đầu.

       Thông qua học tập, quán triệt Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng; thấy rõ hơn tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng; từ đó, xác định ý thức trách nhiệm và đề cao tinh thần tự giác trong việc thực hiện Nghị quyết.

       Qua chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, các cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên đã nhận diện rõ hơn những biểu hiện cụ thể của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tự nhìn nhận, soi xét lại bản thân, thấy rõ hơn những ưu điểm, khuyết điểm của mình; đồng thời, phân tích, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, yếu kém để đề ra phương hướng, kế hoạch, giải pháp khắc phục khuyết điểm.

       Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân ở các cấp từ tỉnh đến cơ sở, kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra Nhà nước và công tác điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm; siết lại kỷ cương, kỷ luật và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đấu tranh, ngăn chặn một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

       Trong nhiệm kỳ (từ tháng 11/2011-6/2015), các cấp ủy đã thi hành kỷ luật đối với 26 tổ chức đảng (cấp tỉnh 01, cấp huyện 19 và cơ sở 06) bằng các hình thức: khiển trách 20, cảnh cáo 06 và xử lý kỷ luật 800 đảng viên bằng các hình thức: khiển trách 450, cảnh cáo 252, cách chức 41, khai trừ 57 trường hợp, trong đó có 143 ủy viên là cấp ủy viên các cấp, gồm Tỉnh ủy viên 01, Huyện ủy viên 26, cấp ủy viên cơ sở là 116; 18 trường hợp xử lý pháp luật, 89 trường hợp xử lý hành chính.

       Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng chương trình, kế hoạch phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; đề ra các giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm và thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm được kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện trách nhiệm “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và tập trung xem xét, giải quyết những vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

       Qua thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra đã góp phần đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi một bước tình trạng suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; tạo được một số chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng trong công tác tổ chức, công tác quy hoạch cán bộ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích lũy thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

       Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến nhanh và phức tạp; đất nước có nhiều khó khăn, thách thức, đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp trong tỉnh, những chuyển biến và kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua.

       Đạt được những kết quả nêu trên là do: Sự quyết tâm khắc phục khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có tác dụng lan tỏa đến các cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh; đặc biệt từ khi ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU, Chỉ thị số 30-CT/TU, Chỉ thị số 40-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo ra được bầu không khí đồng thuận, tin tưởng, nhất trí cao trong nội bộ và ngoài xã hội; vai trò của các cấp ủy, trước hết là người đứng đầu các cấp được phát huy tốt hơn; phong trào thi đua, hành động cách mạng trong nhân dân được tiếp tục đẩy mạnh… nhờ vậy, tình hình các mặt tỉnh nhà tiếp tục ổn định và chuyển biến theo hướng tích cực.

       Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết trong gần 4 năm qua cũng bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm sau:

       Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về Nghị quyết Trung ương 4 và việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình; một số cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị góp ý kiểm điểm cho cấp trên, nhất là góp ý cho cá nhân còn nể nang, e ngại nên chất lượng hạn chế. Tình trạng suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên tuy đã được đấu tranh, ngăn chặn một bước, nhưng vẫn đang tồn tại, chưa được đẩy lùi.

       Quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân, một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp chưa nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Qua kiểm điểm, một số vấn đề bức xúc, phức tạp vẫn chưa làm rõ được thực chất và mức độ nghiêm trọng của tình hình, chưa chỉ ra được địa chỉ cụ thể và trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

       Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, một số nơi chậm đề ra kế hoạch, biện pháp sửa chữa, khắc phục khuyết điểm hoặc xây dựng kế hoạch còn chung chung, thiếu cụ thể; việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch khắc phục khuyết điểm ở một số nơi chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt nên kết quả còn hạn chế. Việc kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 gắn với kiểm điểm cuối năm ở nhiều nơi có xu hướng lỏng lẻo; còn biểu hiện khá phổ biến tình trạng nể nang, né tránh và bệnh thành tích.

       Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong quá trình thực hiện Nghị quyết cũng như việc xây dựng, thực hiện kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Việc xem xét, xử lý một số trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý chưa kịp thời, nghiêm khắc; một số vụ việc nổi cộm, phức tạp giải quyết còn chậm so với yêu cầu.

       Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở nhiều nơi còn hình thức, mang tính phong trào, chưa trở thành công việc thường xuyên hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết còn hạn chế, chưa thường xuyên và có lúc thiếu kịp thời.

       Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trên là do: Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, chặt chẽ và thiếu kiên quyết; một số vụ việc phức tạp, nổi cộm chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tính chiến đấu yếu, còn tư tưởng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”…

       Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tiếp tục lãnh đạo tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra, nhất là tập trung chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm đã được chỉ ra qua tự phê bình và phê bình, giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm ở địa phương, đơn vị, đưa Nghị quyết vào cuộc sống./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT