Trương Văn Kiệt “Thương binh tàn mà không phế”

       Trở về quê hương sau những năm tham gia đánh Mỹ với thương tật 61%. Tuy gặp nhiều khó khăn về vấn đề sức khỏe, nhưng thương binh Trương Văn Kiệt ở thôn Liêm An, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc vẫn tràn đầy nghị lực vượt khó vươn lên, phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trở thành một trong những “Thương binh tàn mà không phế”, được làng xóm tin yêu, đồng đội cựu chiến binh nể phục.

       Liêm An là một thôn nghèo của xã Hồng Liêm. Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn mà không phế”, ông Kiệt trăn trở phải làm việc gì thật cụ thể, thiết thực để giúp gia đình và giúp người dân nâng cao đời sống. Nhận thấy đất đai vùng này xấu, ông Kiệt đã tiên phong chuyển đổi cây mì, loại cây màu được bà con chuyên tâm đầu tư nhưng năng suất, giá cả thấp, sang trồng cây thanh long, vốn chưa phổ biến nơi đây. Từ kinh nghiệm có được qua trồng thử nghiệm, ông hướng dẫn nhiều người trồng theo; đồng thời, hỗ trợ không lấy lãi tiền điện do gia đình đầu tư để bà con chong đèn thanh long nghịch vụ. Nhờ đó, hiện nay nhiều gia đình đã khấm khá hơn.

       Nhìn khu dân cư nơi mình ở và cánh đồng Láng Xéo không có đường vào, việc đi lại, vận chuyển nông sản khó khăn, ông đã tự mở con đường đất kiên cố dài 250m phục vụ gia đình và người dân. Sau đó, ông hiến 500m2 đất, 20 triệu đồng và vận động bà con đóng góp thêm hàng chục triệu đồng cùng nhiều ngày công mở con đường dài 800m, rộng 3,5m. Con đường hiện đã bê tông xi măng 200m. Việc làm này đã tạo hiệu ứng kích thích phong trào toàn dân chung tay làm đường, kết nối giao thông giữa các thôn, xóm, thuận tiện cho đi lại và sản xuất của bà con.

       Là thương binh 2/4, khi thời tiết thay đổi, vết thương đau nhức hành hạ, nên ông thường xuyên đến trạm y tế xã điều trị. Mỗi lần đến trạm y tế là mỗi lần ông thấy xót lòng vì điều kiện cấp cứu còn quá thiếu thốn. Do đó, ông đã ủng hộ trạm y tế 5 triệu đồng để sửa chữa một bình oxy cũ và mua một bình oxy mới phục vụ cấp cứu bệnh nhân. 

       Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nên đời sống của gia đình ông khá ổn định. Bình quân thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng cho gia đình có 8 miệng ăn chưa phải là cao, nhưng là ước mơ của nhiều người ở vùng quê nghèo Liêm An. Nơi đây vẫn còn nhiều gia đình chính sách khó khăn. Hưởng ứng chủ trương chung tay hỗ trợ hộ nghèo của Hội Cựu chiến binh xã, ông đã nhận giúp đỡ hộ bà Trần Thị Nga 200 ngàn đồng/tháng, sau đó là bà Huỳnh Thị Bảy.

       Là thương binh, cựu chiến binh nên ông Trương Văn Kiệt và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Năm nay, tuổi 68, những cơn đau do vết thương chiến tranh hành hạ ông nhiều hơn, song nụ cười của ông vẫn tỏa sáng niềm tin và nghị lực. Nhìn hàng chục Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã được treo trang trọng trong phòng khách cho thấy thành tích của ý chí, nghị lực, sự nỗ lực góp phần xây dựng, bảo vệ  quê hương của ông rất lớn lao, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế”./.


Các tin khác