Năm 2016, Sở Lao động – TB&XH đã mời gọi các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) có uy tín, chất lượng về cùng phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố triển khai tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh thông qua các hình thức như: tư vấn, tuyển chọn lao động trực tiếp tại xã, phường, thị trấn; các phiên giao dịch việc làm để tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài, qua đó đã tuyên truyền các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước; các chính sách của Trung ương và tỉnh về lao động đi làm việc ở nước ngoài; các thông tin về thị trường lao động, doanh nghiệp được phép hoạt động XKLĐ. Đồng thời, thông báo đến các địa phương tiến hành rà soát trên địa bàn để phát hiện các tổ chức, cá nhân thu gom, tuyển chọn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài không đúng theo quy định hoặc có hành vi lừa đảo, vi phạm trong công tác xuất khẩu lao động phải kịp thời báo cáo về Sở Lao động – TB&XH để phối hợp với Công an tỉnh kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn. Cung cấp thông tin về các doanh nghiệp được phép xuất khẩu lao động để người lao động biết liên hệ, tránh bị kẻ xấu lừa gạt. Ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo, lôi kéo phản động hoặc đưa đi xuất khẩu lao động trái pháp luật.
Trong năm 2016, toàn tỉnh đưa được 80/50 lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 160% kế hoạch năm), bao gồm các thị trường: Đài Loan 11 lao động, Nhật Bản 35 lao động, Hàn Quốc 05 lao động, Ả rập Thống nhất 01 lao động và Ả rập Xê út 28 lao động. 3 tháng đầu năm 2017, tiếp tục đưa 89/100 lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 89% kế hoạch năm) và bằng 635,7% so với cùng kỳ năm 2016. Qua theo dõi và nắm bắt thông tin, hầu hết người lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định, đặc biệt là lao động làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài việc có thu nhập cao, người lao động còn được tiếp thu các công nghệ quản lý sản xuất, kinh doanh hiện đại, tích lũy được vốn kiến thức sâu rộng để sau này về nước tiếp tục con đường lập thân, lập nghiệp.
Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương nên công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Người dân chưa tích cực hưởng ứng, vận động con em tham gia mặc dù đã được tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi đặc biệt là chương trình đưa thực sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Người lao động vẫn còn tâm lý e ngại đi lao động ở nước ngoài, sống xa nhà. Một số đơn hàng của các doanh nghiệp XKLĐ chi phí xuất cảnh, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, sức khỏe ... cao (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản), người lao động khó đáp ứng được.
Để đẩy mạnh công tác đưa lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài; thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Trung ương và địa phương về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp XKLĐ phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu các thị trường đi làm việc ở nước ngoài tại các địa phương cho người lao động để tuyển chọn đưa đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động XKLĐ, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về XKLĐ. - Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu của nước tiếp nhận lao động. Đảm bảo giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu nhất là về ngoại ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, luật pháp nước sở tại và kỹ năng nghề cho người lao động. Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 03/6/2014 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý, đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.