Sự tham gia lãnh đạo, quản lý của nữ giới trong hệ thống chính trị tại tỉnh Bình Thuận hiện nay

Hiện nay, vai trò của người phụ nữ được đánh giá cao trên tất cả các lĩnh vực của đời sống; trong đó, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia giữ các vị trí lãnh đạo và quản lý đất nước và có nhiều đóng góp quan trọng cho tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Tại Bình Thuận, từ khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chương trình hành động số 08-NQ/TU, ngày 14/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI); công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử cán bộ, công chức nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện; các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm nhiều hơn đến công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện để đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động nữ phát huy tốt hơn vai trò và khả năng của mình trong xã hội.

Tuy nhiên, kết quả đạt được trong công tác cán bộ nữ chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển, cống hiến của phụ nữ. Hiện nay, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ và tỷ lệ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đạt được như yêu cầu đề ra; tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp còn thấp hơn rất nhiều so với nam giới, cơ cấu không đều, nhất là các vị trí chủ chốt. Ở cấp tỉnh, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy là 12%, chưa đạt theo chỉ tiêu là 15%. Một số cơ quan cấp tỉnh chưa có cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, nếu có, đa số cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý được bố trí ở cấp phó. Nguồn cán bộ nữ ở một số lĩnh vực, một số cơ quan, đơn vị vẫn còn thiếu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý. Một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ nữ nên khi quy hoạch, hoặc cơ cấu vào các vị trí cao hơn thì cán bộ nữ không đủ chuẩn.

Đối với công tác quy hoạch, so sánh số liệu qua 2 nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2015, có thể thấy công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ được thực hiện bảo đảm số lượng cán bộ nữ được quy hoạch nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể, nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 357 lượt cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện, đến nhiệm kỳ 2020— 2025, đã có 468([1]) lượt cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện. Điều này cho thấy, các cơ quan, đơn vị, địa phương khi xây dựng quy hoạch đều có sự quan tâm, chú ý thực hiện quy định về tỷ lệ cán bộ nữ theo chủ trương của Tỉnh ủy.

 

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Bình Thuận, trong những năm qua luôn được tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện. Riêng trong năm 2018, Sở Nội vụ đã cử 187 cán b

ộ, công chức nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tham gia các lớp bồi dưỡng([2]) như: lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cấp sở, lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cấp phòng, các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ từ tỉnh đến cơ sở.

Về công tác đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý tại tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh hiện nay có 87 cán bộ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên, hiện nay sự chênh lệch giữa nam và nữ đối với vị trí lãnh đạo ở Bình Thuận hiện nay vẫn còn khá cao, đặc biệt là trong các Ban Tỉnh ủy – Đơn vị trực thuộc và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Hiện nay, tại Bình Thuận, chưa có nữ cán bộ được quy hoạch hay tham gia chức danh chủ chốt (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh).

Công tác quy hoạch, bố trí cán bộ nữ tham gia cấp ủy, hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện nghiêm túc theo mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) và tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, cụ thể: Cán bộ nữ tham gia Tỉnh ủy (khóa XIII, nhiệm kỳ 2015-2020) có 06 nữ/50 đồng chí, chiếm 12%. Cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện và tương đương (nhiệm kỳ 2015- 2020) có 154 nữ/523 đồng chí, chiếm 29,45%. Cán bộ nữ tham gia cấp ủy cơ sở (nhiệm kỳ 2015-2020) có 363 nữ/1.592 đồng chí đạt tỷ lệ 22,8%. Cán bộ nữ là Đại biểu Quốc hội (đơn vị tỉnh Bình Thuận) có 02/07 đồng chí, chiếm 28 57%; Hội đồng nhân dân tỉnh (Khóa X) có 15/54 người, chiếm 27,78%; Hội đồng nhân dân cấp huyện có 93 đại biểu nữ/372 đại biểu, chiếm 25%; nhiều nhất là Hội đồng nhân dân cấp xã có 1.014 đại biểu nữ/3.546 đại biểu, chiếm 28,6%.

Về cơ cấu cán bộ nữ, trong 20 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, có 17 cơ quan có tỉ lệ nữ 30% trở lên, trong đó, có 07 cơ quan có lãnh đạo chủ chốt là nữ; trong 142 phòng, ban chuyên môn thuộc cấp huyện, có 74 phòng, ban có tỉ lệ nữ 30 % trở lên, trong đó, có 33 phòng, ban có lãnh đạo chủ chốt là nữ; trong 127 xã, phường, thị trấn có 101 đơn vị có tỉ lệ nữ 30 % trở lên, trong đó, có 56 đơn vị có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Có nhiều nguyên nhân tác động đến việc tham gia vào vị trí lãnh đạo, quản lý của nữ cán bộ tại tỉnh Bình Thuận, nhưng dễ nhận thấy nhất đó là thực tế hiện nay, những cơ chế, tiêu chí để phụ nữ phát huy tốt hơn vai trò của mình thì vẫn chưa cụ thể, chưa có sự riêng biệt cho phụ nữ để hiện thực hóa quy định về bình đẳng giới. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ vẫn còn có những bất cập, đa số cán bộ, công chức, viên chức nữ lãnh đạo, quản lý được bố trí chủ yếu là cấp phó. Nguồn cán bộ nữ đưa vào quy hoạch còn thấp, chưa có chiến lược tạo nguồn lâu dài. Chế độ chính sách hỗ trợ dành cho nữ cán bộ lãnh đạo trong việc học tập nâng cao trình độ chưa được ưu tiên gì hơn so với nam giới.

Định kiến về giới là một trong những rào cản và là nguyên nhân khiến cho việc phụ nữ tham gia hoạt động lãnh đạo, quản lý gặp nhiều khó khăn. Quan niệm cố hữu về giới trong một bộ phận nhân dân, trong quản lý, sử dụng cán bộ tạo cho một vài lãnh đạo còn có cái nhìn khắc khe đối với phụ nữ khiến phụ nữ ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn.

Những định kiến về năng lực quản lý cũng như sự thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ trẻ nên từ đó làm hạn chế tỉ lệ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đến cán bộ nữ nên chưa tạo cơ hội cho cán bộ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; khi quy hoạch, hoặc cơ cấu vào các vị trí cao hơn thì cán bộ nữ không đạt chuẩn. Trong công tác đánh giá cán bộ nữ còn khắt khe nên từ đó hạn chế quá trình phấn đấu của phụ nữ.

Một số nguyên nhân gây ra những cản trở cho phụ nữ khi tham gia vào vị trí lãnh đạo, quản lý còn liên quan đến các yếu tố như hạn chế về vấn đề sức khỏe; những áp lực khi phải cân bằng về thời gian, công việc khi phải thực hiện nhiều chức năng cùng lúc (trong công việc và gia đình); tâm lý e dè, nhút nhát, an phận trong chị em phụ nữ cũng là rào cản, là thách thức ảnh hưởng đến vai trò và vị trí của họ; một số nữ cán bộ quản lý chưa chủ động cố gắng học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt đáp ứng yêu cầu mới.

Như vậy, vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm thế nào để xây dựng được đội ngũ nữ cán bộ quản lý của tỉnh đạt yêu cầu về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, năng động trước cơ hội và thách thức của giới nữ trong tình hình hiện nay, đó là:

1. Nâng cao nhận thức về giới, cũng như quyền của phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ tham mưu về công tác nhân sự và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị và địa phường để từ đó nắm bắt chủ trương về công tác cán bộ nữ, nhằm phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ để bố trí, bổ nhiệm cho phù hợp với tình hình thực tế tại từng cơ quan, đơn vị.

2. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định, chủ trương của Tỉnh về công tác cán bộ nữ; quy định trách nhiệm cụ thể đối với những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương trong triển khai thực hiện công tác cán bộ nữ; có chính sách khen thường, phê bình rõ ràng, từ đó các cấp, các ngành có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ đảm bảo số lượng, chất lượng, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ, trong quy hoạch đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm.

3. Xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Gắn với quy hoạch phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ theo các chức danh đã được quy hoạch. Đồng thời, đề bạt, bổ nhiệm đúng chuyên môn đào tạo để cán bộ nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được thế mạnh, ưu điểm của cán bộ nữ trong giai đoạn hiện nay.

 


[1] Nguồn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy (2019), Báo cáo tham luận “Thực trạng và giải pháp trong tham mưu, quy hoạch, đề bạt cán bộ, công chức nữ trên địa bàn tỉnh”, tại Hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ tham gia cấp ủy và cơ quan dân cử”, Hội LHPN tỉnh Bình Thuận.

[2] Sở Nội vụ Bình Thuận, (2019) Báo cáo tham luận “Công tác tham mưu, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh. Thực trạng và giải pháp trong thời gian tới”, tại Hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với phụ nữ tham gia cấp ủy và cơ quan dân cử”, Hội LHPN tỉnh Bình Thuận.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT