Một vài suy nghĩ nhằm đưa công tác quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đạt chất lượng và hiệu quả

       Trong hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu những lời tâm huyết, quán triệt sâu sắc tư tưởng triển khai nghị quyết “làm sao để khắc phục được tình trạng nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống”, “công tác học tập, quán triệt nghị quyết phải góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; chấn chỉnh, uốn nắn những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch”,… 

       Đảng bộ Tỉnh Bình Thuận, xác định công tác tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên trong hoạt động của các cấp ủy đảng để nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo dựng niềm tin và tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân; tạo sự đồng thuận, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

       Trong năm qua, công tác tổ chức học tập, quán triệt các Chỉ thị. Nghị quyết của Đảng luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời. Thông qua các đợt học tập, quán triệt, sinh hoạt tư tưởng góp phần nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đại bộ phận cán bộ, đảng viên, ngày càng khẳng định rõ tầm quan trọng về vai trò lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác tổ chức học tập, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; từ đó đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương làm cho Nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.

       Tuy nhiên, việc tổ chức quán triệt học tập Nghi quyết còn bộc lộ những hạn chế đó là đội ngũ báo cáo viên chưa chủ động soạn giáo án, truyền đạt còn lệ thuộc hoàn toàn vào đề cương tài liệu, ít có thông tin khai thác trên các kênh thông tin, tạp chí, của Trung ương và của địa phương, ngành, vv… khả năng cũng như phương pháp, kỹ năng truyền đạt còn hạn chế trong khi đó lại khống chế rút ngắn về thời gian buổi truyền đạt dẫn đến những thông tin cung cấp cho người nghe rất hạn chế, không có điều kiện đi sâu, nhấn mạnh những vấn đề quan trọng bức xúc liên quan đến thực tiễn địa phương. Trong trao đổi, thảo luận, tranh luận, người dự chưa tích cực đóng góp ý kiến nhất là các vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống thực tế ở địa phương. Một số chương trình, kế hoạch của cấp ủy cơ sở thực hiện Nghị quyết của Đảng chưa sát thực tế đảng bộ, địa phương. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nắm vững tinh thần các Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nên chưa tạo đuợc sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Một số cơ sở đảng chưa quan tâm tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghe thông tin thời sự định kỳ, sinh hoạt tư tưởng chủ yếu vẫn là thông tin các văn bản chỉ đạo của cấp trên.

       Một số cấp ủy chưa coi trọng công tác lãnh đạo giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chưa tập trung cao cho việc triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, chưa coi trọng và tham dự đầy đủ các lớp quán triệt học tập, nghiên cứu các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Phần nhiều báo cáo viên chưa dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, mở rộng, liên hệ thực tiễn mà chủ yếu dựa vào đề cương chung, nên tính hấp dẫn, khả năng thu hút người nghe chưa cao.

       Nhằm nâng cao chất lượng công tác quán triệt, học tập Nghị quyết của Đảng, xin trao đổi một số giải pháp sau:

       Một là, chuẩn bị và tổ chức thật tốt quy trình học tập theo hướng dẫn trong đó lưu ý chất lượng hội nghị triển khai cho cán bộ chủ chốt các cấp. Trong hội nghị phải làm rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết, những vấn đề cơ bản, chủ yếu và mới; cần thảo luận chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp, cụ thể, thiết thực của địa phương. Xác định chương trình, kế hoạch là một nội dung công tác cụ thể để thực hiện nghị quyết của Trung ương nhằm tạo một sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá về một lĩnh vực, một mặt công tác tại địa phương, ngành và cơ sở, nên phải được thông qua trong hội nghị.

       Hai là, cần đổi mới cách thức, phương pháp tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng. Đối với cán bộ chủ chốt cần đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra; tổ chức hình thức hội nghị trực tuyến nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, khắc phục tình trạng ở trên làm kỹ - ở dưới làm lướt, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí và mở rộng đối tượng tham gia. Các đối tượng khác, tùy đặc điểm tình hình cụ thể của đối tượng và địa bàn để chọn hình thức, phương pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng tham gia được nhiều nhất (có thể lồng ghép với các nội dung khác), thời gian ngắn gọn. 

       Ba là, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết thật sự phù hợp với đối tượng, có như thế mới hấp dẫn và thiết thực. Đối với cán bộ chủ chốt, tùy từng cấp nhưng cần tập trung đi sâu phân tích cơ sở lý luận - thực tiễn; những nội dung, những điểm mới của nghị quyết gắn với liên hệ thực tiễn của địa phương, ngành, lĩnh vực..., nhất là các vấn đề bức thiết đặt ra. Đối với các đối tượng khác, nội dung học tập, quán triệt cần tập trung vào những nội dung, vấn đề cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; coi trọng liên hệ tình hình nhiệm vụ ở cơ sở, giải đáp thắc mắc nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng...

        Bốn là, nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất lớn ở khâu xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hành động. Thực tế trong thời gian qua, ở tỉnh ta rất chú trọng vấn đề này nên đã tạo được những chuyển biến tích cực. Trong thời gian đến, cần phải đầu tư công sức, trí tuệ, huy động các nguồn lực để khắc phục hiệu quả tình trạng trên. Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung; thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện, kịp thời uốn nắn những sai trái, lệch lạc, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

       Năm là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ báo cáo viên. Từ đó, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ báo cáo viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; có phẩm chất, năng lực, uy tín cao và có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu,... Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về quan điểm, kiến thức, kỹ năng, phương pháp; kịp thời cung cấp tài liệu cho báo cáo viên, nhất là những thông tin liên quan đến nghị quyết đang triển khai thực hiện. Có chế độ, chính sách động viên, hỗ trợ đội ngũ báo cáo viên hoạt động có hiệu quả hơn./.


Các tin khác