Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 25/10/2016 của Tỉnh ủy (khoá XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020, xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch của tỉnh là: Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, nắng ấm quanh năm, bãi biển đẹp, thích hợp cho việc tổ chức các loại hình thể thao kết hợp nghỉ dưỡng; hoạt động văn hóa, lễ hội của 35 thành phần dân tộc khá phong phú, đa dạng và còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước đang triển khai là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư và du khách đến với Bình Thuận...
Mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể, thu hút 7.000.000 lượt khách; trong đó, khoảng 850.000 lượt khách quốc tế, khoảng 6.150.000 lượt khách nội địa; tăng trưởng bình quân khách quốc tế từ 12 - 14%/năm, khách nội địa từ 10 - 12%/năm; du lịch đóng góp 10% GRDP của tỉnh.
Về nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về du lịch; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng quy hoạch, đề án phát triển du lịch; Thực hiện tốt liên kết vùng; Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ; Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu điểm đến; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách quản lý đặc thù để thu hút đầu tư; Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.
Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2016, toàn tỉnh ước đón khoảng 4.521.836 lượt khách, tăng 8,76% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 503,792 lượt khách, tăng 11,65% so với cùng kỳ. Khách quốc tế chủ yếu đến từ Nga chiếm 23,18% tổng lượng khách quốc tế đến tỉnh, Trung Quốc (23,26%), Đức (6,49%), Hàn Quốc (8,12%), Anh (3,6%), Mỹ (2,99%), Thái Lan (5,96%), Pháp (2,83%), Hà Lan (2,59%), Úc (1,88%)...
Cũng theo thống kê, trong quý I/2017, toàn tỉnh đã đón 1.207.032 lượt khách (đạt 23,65% kế hoạch), tăng 9,81% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 156.843 lượt khách (đạt 27,86% kế hoạch), tăng 19,92% so với cùng kỳ 2016. Tổng thu từ khách du lịch 2.843,432 tỷ đồng (đạt 26,33% kế hoạch), tăng 20,61% so với cùng kỳ năm 2016.
Công tác thu hút và triển khai dự án đầu tư du lịch cũng được tỉnh quan tâm. Trong năm 2016, đã cấp giấy chứng nhận 11 dự án du lịch và dịch vụ du lịch (trong đó 6 dự án trong nước và 5 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư là 964,7 tỷ đồng; thu hồi 13 dự án. Lũy kế toàn tỉnh có 379 dự án du lịch, và 35 dự án dịch vụ du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.024,2 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 52.717,56tỷ đồng (212 dự án đi vào hoạt động, 65 dự án đang triển khai và 140 dự án chưa triển khai); trong đó có 60 dự án đầu tư nước ngoài (44 dự án đi vào hoạt động; 9 dự án đang triển khai xây dựng; 7 dự án chưa triển khai). Doanh thu từ hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan đạt khoảng 9.046,102 tỷ đồng, tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2015. GRDP du lịch chiếm 8,26% trên tổng số GRDP của tỉnh.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực của cả nước, của vùng và của tỉnh ./.