Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X)

  • /
  • 13.12.2012 - 10:18

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008, Tỉnh ủy (khóa XI) đã ban hành Chương trình hành động số 19-NQ/TU ngày 22/9/2008 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

                  Ngày 29/12/2008, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6463/KH-UBND nhằm thực hiện Chương hành động số 19-NQ/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), kế hoạch đề ra mục tiêu tổng quát là: từ nay đến năm 2020, xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh đạt chất lượng cao, cơ cấu hợp lý đáp ứng nhiệm vụ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Căn cứ Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh đã tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) và Chương trình hành động số 19-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) đến tất cả các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức, xem đây là nguồn nhân lực có tính quyết định trong quá trình CNH-HĐH đất nước cũng như trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời xây dựng kế hoạch thiết thực, cụ thể để thực hiện.          

 Sau 4 năm triển khai thực hiện, đến nay tỉnh đã cử 7.287 cán bộ, công chức đào tạo, bồi dưỡng và học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài, trong đó có 2.385 cán bộ, công chức được đào tạo lý luận chính trị - hành chính (cao cấp 335 người, trung cấp 2.050 người); 2.151 cán bộ học đại học, trung cấp chuyên môn trong nước; 2.039 cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ ngoại ngữ; 563 cán bộ học tập kinh nghiệm nước ngoài… Ngoài ra, tỉnh cử 77 cán bộ, công chức đào tạo theo Đề án 100 đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài (gọi tắt là Đề án 100) và Đề án 165 của Trung ương. Tỉnh tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chính sách để thực hiện mục tiêu của Đề án 100, đào tạo tiến sỹ và thạc sỹ ở nước ngoài nhằm chuẩn bị đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu thành lập Trường Đại học Bình Thuận vào năm 2015.       

            Đội ngũ trí thức tỉnh phần lớn thực hiện tốt nhiệm vụ, đáp ứng tương đối  nhu cầu CNH-HĐH, góp phần đáng kể vào sự phát triển KT-XH của tỉnh; việc sử dụng nguồn nhân lực trí thức trong phạm vi hoạt động của sở, ban, ngành, địa phương cơ bản phát huy được năng lực và sở trường công tác ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; chủ yếu tập trung vào khu vực giáo dục, y tế, quản lý và kinh doanh, dịch vụ (chiếm khoảng 99%), khoảng 1% trí thức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo.                            

Xác định tầm quan trọng của đội ngũ trí thức trong quá trình CNH-HĐH đất nước, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo và chỉ đạo các tổ chức Đảng trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương; đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Ban Tuyên giáo, Sở KH&CN, Liên hiệp Hội tỉnh) kiểm tra việc tổ chức triển khai và thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW và Chương trình hành động số 19-NQ/TU tại một số sở, ngành, huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ và cơ sở xã, phường, trường học, bệnh viện…Qua kiểm tra, hầu hết các tổ chức Đảng ở các ngành, địa phương đã kịp thời và nghiêm túc triển khai thực hiện.              

            Xác định giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực phát triển sự nghiệp GD&ĐT, tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức của ngành không ngừng phát triển; nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, sáng kiến trong ngành đã có nhiều chuyển biến đáng kể; toàn ngành đã có trên 130 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học cấp tỉnh về giáo dục và đào tạo công nhận và đã ứng dụng vào giảng dạy, học tập. Trường Cao đẳng Cộng đồng đã phát động đội ngũ trí thức tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ; kết quả có 85 đề tài khoa học được công nhận cấp trường; 78 sản phẩm do các giảng viên biên soạn phục vụ cho công tác dạy học của giảng viên và thi cử của sinh viên. Có 08 bài báo và 11 bài tham luận của giảng viên được đăng trên các tạp chí trong nước và 02 bài tham luận được đăng trên Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế. Trên lĩnh vực KHCN, tỉnh đã triển khai, thực hiện 72 đề tài, dự án KHCN. Ngoài ra, còn có 07 đề tài, dự án do các tổ chức KHCN ngoài tỉnh chủ trì và 04 đề tài, dự án do các tổ chức KHCN ngoài tỉnh phối hợp với các tổ chức KHCN trong tỉnh thực hiện; đã nghiệm thu 08 đề tài, dự án, trong đó có 06 đề tài, dự án đạt loại khá, 02 đề tài, dự án đạt loại trung bình. Các đề tài này sau khi nghiệm thu được bàn giao đến các tổ chức KHCN của tỉnh ứng dụng vào thực tiễn.

Qua 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động số 19-NQ/TU của Tỉnh uỷ (khoá XI), đội ngũ trí thức tỉnh nhà đã có bước phát triển đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và phần lớn nhân dân về tầm quan trọng của đội ngũ trí thức được nâng lên khá rõ. Đại bộ phận trí thức cơ bản ổn định về tư tưởng, nhận thức rõ ràng về quan điểm chính trị, về trách nhiệm với quê hương, với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; sẵn sàng nhận nhiệm vụ do Đảng và Chính quyền phân công, cống hiến, đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của xã hội.

Tuy nhiên, qua thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ (khoá XI) ở một số ngành, địa phương, đơn vị đôi lúc còn thiếu tập trung, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, rút kinh nghiệm. Đội ngũ trí thức trẻ, nữ còn thiếu, nhất là trí thức có trình độ cao, chuyên môn giỏi trong các ngành kinh tế mũi nhọn; trình độ chuyên môn của đội ngũ trí thức không đồng đều, một số không đáp ứng được yêu cầu; phân bố trí thức không đều ở các ngành, chủ yếu tập trung vào giáo dục, y tế và ở khu vực đô thị. Số đông con em tỉnh nhà sau khi tốt nghiệp đại học, sau đại học không trở về địa phương do điều kiện làm việc và thu nhập thấp; một số học xong về địa phương không tìm được việc làm, hoặc làm trái ngành nghề đào tạo.

Đến nay, vẫn còn một số sở, ngành chưa thành lập các tổ chức Hội chuyên ngành, hoặc có thành lập nhưng chưa quan tâm tạo điều kiện để cho Hội hoạt động tốt. Một số cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, nhất là khâu đánh giá, trọng dụng, đề bạt trí thức giỏi vào các chức danh lãnh đạo; chưa thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, hoài bão của trí thức.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công tác đào tạo bồi dưỡng của các địa phương, đơn vị còn mang tính chủ quan, thiếu quy hoạch, chỉ chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ trí thức mà chưa chú trọng đến lĩnh vực, ngành nghề, chất lượng cần đào tạo. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng tính lý thuyết, kỹ năng thực hành chưa coi trọng nên nhiều trí thức sau đào tạo vẫn phải đào tạo lại; chất lượng của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của đội ngũ trí thức. Chưa thật sự tin tưởng, mạnh dạn giao việc, khuyến khích trí thức trẻ làm việc, sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Một bộ phận trí thức còn thiếu ý thức phấn đấu vươn lên khẳng định mình. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, triển khai và ứng dụng những năm gần đây tuy có quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu so yêu cầu. Việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để cho đội ngũ trí thức thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học còn hạn chế.

Để xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa các ngành, địa phương, đơn vị phải khẩn trương xây dựng, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã đề ra trong Nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh uỷ. Coi trọng, phát huy tài năng và trọng dụng trí thức trẻ có phẩm chất đạo đức tốt; ban hành chế độ đãi ngộ cho đội ngũ trí thức tâm huyết, say mê gắn bó với hoạt động nghiên cứu. Có chính sách đãi dành riêng cho trí thức nữ để động viên họ tham gia học tập nâng cao trình độ và nghiên cúu khoa học. Đồng thời, cần chăm lo tập huấn, bồi dưỡng nâng chất lượng đội ngũ cán bộ trí thức hiện có ở các cấp.                                                                                                                                                                                                                                                Lê Bình


  • |
  • 1717
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT