Theo Bác, chăm lo đời sống Nhân dân là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân và Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện rõ ở quan điểm khi Người nói về đạo đức cách mạng là: Đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Người nhấn mạnh “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Để làm tròn nhiệm vụ đó, người cách mạng nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng phải luôn nỗ lực phấn đấu, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, vì “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn, cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, không có đạo đức cách mạng thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”.
Trong sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương, chính sách. Trở thành một trong những mục tiêu then chốt trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt trong Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991 và năm 2011 về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thể hiện rõ vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong hơn 30 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”. Theo đó, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng; chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm và đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm, Theo số liệu thống kê năm 2018, thu nhập bình quân một người một tháng ước tính đạt 4,20 triệu đồng.
Cùng với cả nước, các cấp các ngành tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực trong công tác chăm lo đời sống Nhân dân, với quyết tâm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Qua đó, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm tăng 7,25%. Ước 3 năm 2016- 2017- 2018, GRDP tăng bình quân hàng năm là 7,33% (chỉ tiêu đề ra trong 5 năm 2016 - 2020 là 7-7,5%). GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 44,95 triệu đồng, năm 2018 đạt 50,49 triệu đồng .
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai theo hướng thực chất, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Đến nay, đã có 55/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới, (chiếm 57,3%) ,tỷ lệ của cả nước là 42,76%. Thu nhập bình quân đầu người ở 96 xã năm 2018 đạt 37,2 triệu đồng/người/năm, tăng 3,2 triệu đồng/người/năm so với thu nhập năm 2017. Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” đã tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa nông thôn mới.... Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, hệ thống hạ tầng phát triển mạnh mẽ, nhất là các vùng khó khăn. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận cư dân nông thôn được nâng lên đáng kể…
Trong bối cảnh hiện nay, để duy trì và phát huy những thành quả thực tế, thực hiện có hiệu quả chăm lo đời sống Nhân dân, thiết nghĩ, các cấp các ngành, từng cán bộ đảng viên cần quan tâm:
Trước hết, tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về “dân làm gốc”; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân tự do sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân. Trong đó, chú trọng cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống Nhân dân bằng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, cần chủ động, tích cực trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường; phát huy sức dân, huy động Nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu đề ra vì lợi ích của Nhân dân. Đặc biệt, gắn thực hiện nội dung chăm lo đời sống Nhân dân với việc tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình, những cách làm hay trong học tập và làm theo Bác về sự tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh những vụ việc không quan tâm chăm lo đời sống Nhân dân, gây bức xúc, phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Chăm lo đời sống cho Nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải thực hiện với quyết tâm cao hơn nhằm đạt kết quả cao nhất, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác ngày càng hiệu quả hơn, thiết thực hơn./.