Gia đình - Viên đá xây dựng nền móng của xã hội

       Gia đình bền vững phải được xây dựng trên nền tảng “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Xây dựng gia đình bền vững là mục tiêu được nhiều người quan tâm và luôn phấn đấu  để vươn tới.

       Trong đó mọi thành viên đều có trách nhiệm tạo nên không khí gia đình đầm ấm, tràn đầy tình thương và cùng chung tay vun đắp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình ngày một phát triển theo xu hướng chung của thời đại.

       Những truyền thống tốt đẹp về văn hóa gia đình Việt Nam từ bao đời nay đã được hình thành và phát triển. Nó được mọi người công nhận như một chuẩn mực. Hơn thế nữa nó còn được coi như một thứ đạo: đạo hiếu, đạo vợ chồng, đạo làm con… Nếu đạo Phật có nhà chùa, đạo Thiên chúa có nhà thờ, thì đạo hiếu, đạo vợ chồng, đạo làm con có ở ngay dưới hàng triệu triệu mái nhà Việt Nam. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, hướng về cội nguồn, dòng họ: vợ chồng chung thủy, con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh chị em thương yêu nhau… việc giáo dục gia đình không chỉ bó gọn trong mái nhà mình mà còn mở rộng ra ngoài xã hội. Các thế hệ nối tiếp nhau giáo dục con cháu lấy đạo lý, nhân nghĩa làm trọng, giáo dục ý thức cộng đồng, con người gắn liền với làng xóm, quê hương, đất nước. Bên cạnh những câu ca: “Con người ta chữ hiếu làm đầu”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, lại có những câu: “Thương người như thể thương thân”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Tình yêu gia đình, yêu đồng bào cả nước ấy đã trở thành tình yêu Tổ quốc trong mỗi con người Việt Nam.

       Tuy vậy, ngày nay gia đình Việt Nam cũng đang đứng trước thử thách mới. Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập và mặt trái của cơ chế thị trường, của toàn cầu hóa đang tác động vào những mối quan hệ của gia đình Việt Nam. Số vụ ly hôn ngày càng nhiều, vợ chồng ly thân, con cái bất hòa, anh em tranh giành tài sản, đất đai, tệ nạn xã hội… cũng gia tăng. Giáo dục gia đình lỏng lẻo, sự tự do quá trớn trong quan hệ nam nữ phần nào ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân. Hậu quả, có nhiều trẻ bỏ học, tụ tập băng nhóm xã hội đen; tệ nạn xã hội, số vụ phạm pháp cũng tăng lên, và điều đáng quan tâm là số thanh thiếu niên phạm pháp hình sự ngày càng nhiều, có cả học sinh, sinh viên… Cùng với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, lại có khá nhiều những bi kịch gia đình khiến cả xã hội lo lắng.

       Có những nguyên nhân thuộc về xã hội, nhưng có một nguyên nhân cơ bản quan trọng đó là thiếu sự giáo dục từ gia đình. Có thể là sự chiều chuộng quá đáng khi con còn nhỏ, hoặc mãi làm ăn, buôn bán hay chạy theo danh vọng, tiền tài… mà không để mắt đến con cái mình, trong khi lối sống thực dụng và tệ nạn xã hội lan tràn, các phương tiện ăn chơi thiếu lành mạnh, các trang thông tin toàn cầu độc hại đang tấn công vào con em chúng ta ngày càng nhiều.

       Xây dựng nếp sống gia đình văn hóa ngày nay đòi hỏi ý thức tự giác cao, phải kiên trì lâu dài, tạo thành thói quen, nề nếp tốt. Hạnh phúc gia đình không phải là một thứ phúc trời ban cho, mà phải do nếp sống và sự giáo dục gia đình tạo ra. Ở đây, ông bà, cha mẹ, anh chị có một vị trí rất lớn. Họ phải là những tấm gương tạo ra một môi trường sống đẹp cho con em mình. Đã có thời kỳ một số nước phương Tây không lấy gia đình mà muốn lấy cá nhân làm đơn vị xã hội. Song hậu quả của sự phá vỡ gia đình ấy đã làm họ tỉnh ngộ nhận ra rằng: gia đình chính là sự khôn ngoan nhất của loài người. Sự thừa thải về vật chất cũng không thay thế được sự thiếu hụt về tình cảm và tinh thần của con người.

       Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình là điều quan trọng để xây dựng xã hội mới. Gia đình Việt Nam ngày nay vì thế cần tiếp thu văn hóa mới nhưng cũng phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của mình. Xây dựng gia đình văn hóa mới, nếp sống văn minh, hiện đại là cần thiết cho xã hội ngày nay, đòi hỏi củng cố, xây dựng trên nền tảng của nếp sống tốt đẹp, truyền thống gia đình Việt Nam và được mọi người đặc biệt quan tâm.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT