Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc đối thoại với nhân dân

Chủ động đối thoại để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong đời sống của người dân vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở của Bình Thuận thời gian qua. Với cách làm dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân đã góp phần hạn chế số vụ khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo thêm niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như của tỉnh nhà.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức được hoạt động đối thoại là kênh quan trọng và trực tiếp giúp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nắm bắt nguyện vọng, lắng nghe người dân hiến kế phát triển kinh tế - xã hội; cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề bức xúc tồn đọng. Vì vậy, tại nhiều cuộc đối thoại, các vấn đề người dân chất vấn đã được lãnh đạo chính quyền các địa phương nhận trách nhiệm, giải trình và cam kết có giải pháp khắc phục.

Riêng ở cấp tỉnh, trong năm 2019, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã dành nhiều thời gian để tiếp công dân; đồng thời, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng với đồng chí  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và một số sở, ngành đã tổ chức đối thoại với nhân dân huyện Bắc Bình theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; nội dung đối thoại tập trung vào công tác quản lý nhà nước về môi trường, công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất đai, khoáng sản, xây dựng, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thông qua đối thoại, giúp cho lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời, tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Đối với cấp huyện, xã, đồng chí Bí thư cấp ủy cũng đã dành nhiều thời gian cho công tác tiếp công dân với hàng trăm lượt tiếp và hàng trăm công dân. Có thể nói, các ý kiến phản ánh, góp ý, trao đổi của nhân dân đều được được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp lắng nghe, tiếp thu và trả lời trực tiếp tại hội nghị và trả lời bằng văn bản, cơ bản đã tháo gỡ được những vấn đề còn khúc mắc, băn khoăn trong nhân dân. Qua đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Bên cạnh đó, văn phòng cấp ủy các cấp đã tiếp nhận gần 450 đơn, thư của cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi đến bí thư cấp ủy và thường trực cấp ủy. Nội dung đơn chủ yếu khiếu nại về vấn đề thu hồi đất, đền bù, giải tỏa khi thực hiện các dự án; khiếu nại quyết định hành chính; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại các bản án, quyết định khởi tố vụ án, thi hành án của các cơ quan tố tụng; tranh chấp dân sự, tranh chấp đất đai; phản ảnh, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định pháp luật trong thực thi công vụ; công tác sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ; về chế độ, chính sách và kỷ luật đảng viên…

            Bên cạnh những kết quả nổi bật, thực tế, vẫn có một số cấp ủy đảng triển khai chưa tốt, chưa thực hiện một cách rộng khắp; các hoạt động tiếp xúc đối thoại có nơi còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ nội dung trong quy chế. Nhiều cấp ủy cấp xã chưa ban hành quy chế người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân; nhiều bí thư cấp ủy cấp xã chưa thực hiện tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo quy định. 

Qua kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy chế người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền đối thoại với nhân dân cho thấy, công tác chuẩn bị, quy trình, cách thức tổ chức đối thoại trực tiếp ở mỗi địa phương, cơ sở còn khác nhau. Trên thực tế, có không ít người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền cấp cơ sở chưa đủ năng lực để điều hành hội nghị đối thoại với nhân dân, chưa dành nhiều thời gian cho đối thoại, còn nặng về báo cáo đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội. Một số cán bộ chủ chốt các địa phương chưa nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiểu tình hình cơ sở chưa đầy đủ, cho nên khi đối thoại với dân còn lúng túng, bị động, không đáp ứng được yêu cầu...

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại, đưa hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đi vào nền nếp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW. Riêng cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế số 03-QC/TU, ngày 18/4/2019 về Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu, phục vụ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân; phối hợp tham mưu Thường trực Tỉnh ủy tiếp dân và xử lý đơn thư; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định…

Tiếp tục chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định số 01-QĐi/TW, ngày 10/5/2018 của Bộ Chính trị về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng và Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Chỉ đạo cấp ủy cấp xã khẩn trương ban hành quy chế tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy; đồng thời, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nội dung Quy định số 01-QĐi/TW. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất; chỉ đạo phân loại, tham mưu xử lý đơn thư kịp thời, có chất lượng, chú ý bảo vệ bí mật cho người tố cáo. Đồng thời, tăng cường giám sát đối với bí thư cấp ủy cấp xã trong việc thực hiện Quy định số 01-QĐi/TW để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh. Chỉ đạo UBND các cấp (huyện, xã) thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và các phản ảnh, kiến nghị chính đáng của công dân./.

 

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT