Qua xem xét bản thảo đề cương Biên niên lịch sử đảng bộ tỉnh, Ban Biên tập, nghiên cứu, biên soạn Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh đã chọn lọc được khoảng trên dưới 190 sự kiện hoạt động nổi bật của Đảng bộ tỉnh từ 1954-1975. Tuy nhiên, so với quy mô, mục đích, yêu cầu, những sự kiện sưu tầm còn thiếu, nhiều sự kiện cần phải điều chỉnh, bổ sung.
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng: Bằng mọi cách sưu tầm, khi biên soạn cần phải khai thác kỹ nguồn tư liệu, tư liệu phải chuẩn xác, vì cuốn sách không chỉ là nguồn tư liệu quý giá để tra cứu sau này mà còn để giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng. Muốn vậy, ngoài nêu lên các mốc lịch sử quan trọng, những người biên soạn cuốn sách phải làm nổi bật những bằng chứng lịch sử vẻ vang, hào hùng để xứng tầm với truyền thống cách mạng Bình Thuận. Bên cạnh tiêu chí trên, cuốn sách phải trình bày khoa học, sắp xếp có hệ thống,… Ngoài đóng góp cho bản thảo, Ban biên tập, nghiên cứu, biên soạn cuốn sách còn nhận được nhiều ý kiến, thông tin, tư liệu sống từ các đồng chí lão thành cách mạng cung cấp. Đây là những nguồn tư liệu quý giá để làm sinh động cuốn sách.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng đã ghi nhận những nỗ lực sưu tầm các sự kiện lịch sử của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ mà Ban biên tập, nghiên cứu, biên soạn đã dày công tìm kiếm. Đồng chí cũng nhấn mạnh, xuất bản cuốn sách là trách nhiệm của Đảng bộ tỉnh, trong thời gian tới Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cần tổ chức nghiên cứu, sưu tầm từ nhiều nguồn tài liệu của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh để sớm hoàn chỉnh đề cương trình Thường trực Tỉnh ủy thông qua để tiến hành biên soạn cuốn sách theo đúng tiến độ./