Báo cáo đề dẫn tại buổi tọa đàm, đồng chí Hồ Trung Phước, UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước, thể hiện tính nhân văn và bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đối với bảo hiểm y tế, Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018 có khá nhiều điểm mới bổ sung cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhằm bảo đảm tính công bằng, không bỏ sót đối tượng nào, góp phần tăng nhanh tỷ lệ phục vụ cho toàn dân. Tính đến hết quý I/2019, cả nước có trên 83,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 98% kế hoạch, trong đó có 15,7 triệu người tham gia theo diện hộ gia đình.
Bên cạnh những kết quả quan trọng nói trên, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế, như: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp so với tiềm năng; việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện; tính tuân thủ luật pháp chưa cao, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn phổ biến. Tình trạng lạm dụng, trục lợi các quỹ bảo hiểm vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị, như: Giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ để trục lợi quỹ ốm đau, thai sản; gian lận vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp để trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp; tình trạng chỉ định thuốc, xét nghiệm quá mức cần thiết, lập hồ sơ khám chữa bệnh khống để thanh toán... nhằm trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Tình trạng lợi dụng chính sách thông tuyến để đi khám chữa bệnh nhiều lần tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh nhằm trục lợi quỹ bảo hiểm y tế... vẫn xảy ra ở nhiều địa phương do chưa có chế tài xử lý, các cơ sở y tế chưa tuân thủ việc kiểm tra lịch sử khám chữa bệnh qua Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế.v.v…
Nguyên nhân chính của những hạn chế trên đây là do một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thỏa đáng đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công tác an sinh xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, đoàn thể các cấp chưa thật sự chủ động tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo lĩnh vực phụ trách. Một bộ phận cán bộ, chủ sử dụng lao động, công nhân lao động và người dân chưa hiểu rõ chế độ, chính sách và lợi ích, cũng như sự cần thiết phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đối tượng thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống thấp còn khó khăn, khó có khả năng tham gia bảo hiểm y tế...
Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện trong tình hình mới, tại hội nghị đã có 10 tham luận của các báo cáo viên Trung ương của tỉnh, báo cáo viên tỉnh ủy tập trung vào các nội dung: tăng cường công tác tuyên truyền phối hợp giữa ngành BHXH với các cấp các ngành về chủ trương chính sách về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện của Đảng, Nhà nước; các giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông xã hội góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Qua buổi Tọa đàm giúp cho đội ngũ báo cáo viên các cấp trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác tuyên truyền nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện; đổi mới cách thức tuyên truyền sinh động, hấp dẫn, tác động trực tiếp đến người dân, người lao động và lãnh đạo các doanh nghiệp, các địa phương góp phần tăng tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện./.