Giám sát việc chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình hành động số 52-CTr/TU, ngày 28/8/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”

Ngày 18/9/2019, Đoàn giám sát số 1 theo Quyết định số 1614-QĐ/TU, ngày 16/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, do đồng chí Hồ Trung Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi và đồng chí Bí thư Thị ủy về tình hình triển khai học tập, quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Chương trình hành động số 52-CTr/TU, ngày 28/8/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.

Tham gia Đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Minh Tân – Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại điện Bảo hiểm xã hội tỉnh. Về phía Thị ủy La Gi có đồng chí Phạm Văn Nam – Bí thư Thị ủy cùng tập thể Ban Thường vụ Thị ủy, đại diện lãnh đạo UBND thị xã, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã cùng đại diện Mặt trận – đoàn thể trên địa bàn.

Qua buổi làm việc cho thấy, với sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và kịp thời của Thị ủy, UBND thị xã, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của BHXH thị xã, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 52-CTr/TU đã đạt được một số kết quả khả quan. Công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH ngày càng được nâng cao về nội dung và hình thức, nhất là trong công tác vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN. So với cùng kỳ năm 2018, công tác phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN BHXH của thị xã trong 6 tháng đầu năm 2019 có tăng (số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 7 người, tham gia BHXH tự nguyện tăng 86 người. Việc thu nợ BHXH có chiều hướng tốt hơn, số nợ giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường giúp thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương, đơn vị. Sự tham gia, phối hợp với ban, ngành, mặt trận, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong theo dõi kết quả triển khai chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện khá chặt chẽ; Công tác chi trả, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN hiệu quả, kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng.

Đối với đồng chí Bí thư Thị ủy đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu Thị ủy trong tiếp thu và chỉ đạo việc học tập, triển khai quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy; Cùng tập thể Ban Thường vụ Thị ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp người lao động; Chú trọng chỉ đạo thực hiện công tác giám sát của tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh về các nội dung có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tập thể Đảng uỷ và cá nhân người đứng đầu Thị ủy đồng thời đã chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHXH như: Một số cấp ủy, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện chỉ đạo của cấp trên có lúc, có nơi còn chưa kịp thời và chưa cụ thể; Công tác tuyên truyền tuy có thực hiện nhưng nội dung, hình thức còn chưa phong phú, hiệu quả mang lại chưa cao; Công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT phát triển chậm, thiếu bền vững (số người tham gia BHTN giảm 205 người so với cùng kỳ năm trước); Chất lượng hoạt động của đội ngũ Cộng tác viên ở cơ sở về kỹ năng còn hạn chế; trong khi đó điều kiện phục vụ hoạt động tuyên truyền còn khó khăn, nhất là chế độ thù lao, cơ sở vật chất; Chưa có giải pháp tối ưu đối với việc xử lý các đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHXH, nợ chây ì, kéo dài; Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi.

Bên cạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định, đồng chí Hồ Trung Phước - Trưởng Đoàn Giám sát đã đề cập một số vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới, đó là: Ban Thường vụ Thị ủy cần chỉ đạo các cấp chính quyền rà soát kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm để cụ thể hóa các công việc thực hiện thành mục tiêu cần đạt được, gắn với phân công tổ chức, cá nhân thực hiện, thời gian hoàn thành; Chỉ đạo đa dạng hóa công tác tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm, đủ sức thuyết phục và cụ thể với từng đối tượng, gắn với trách nhiệm đảng viên trên địa bàn. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền người dân về chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, trong đó chú ý công tác tuyên truyền trên Internet, các trang mạng xã hội và phát huy có hiệu quả vai trò của chức sắc tôn giáo trên địa bàn trong việc góp phần tuyên truyền chính sách BHXH.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT