Nhiệm vụ và giải pháp được thể hiện là hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức. Đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của trí thức; nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức.
Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 19-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI), đội ngũ trí thức của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, đội ngũ trí thức của tỉnh có 20.935 cán bộ có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 344 cán bộ có trình độ thạc sĩ và tương đương, 18 cán bộ có trình độ tiến sĩ và tương đương. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ đã được tỉnh quan tâm. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã cử 7.278 cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, trong đó có 2.385 cán bộ, công chức được đào tạo lý luận chính trị - hành chính (cao cấp 335 người, trung cấp 2.050 người); 2.151 cán bộ được đào tạo đại học, trung cấp chuyên môn trong nước; 2.039 cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ ngoại ngữ; 563 cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài… Ngoài ra, tỉnh đã cử 77 cán bộ, công chức tham gia Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ của tỉnh và Đề án 165 của Trung ương. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã cử 324 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài.
Có được những kết quả trên là nhờ nhận thức của hầu hết các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và phần lớn nhân dân về tầm quan trọng của đội ngũ trí thức đã được nâng lên khá rõ. Đại bộ phận trí thức cơ bản ổn định về tư tưởng, nhận thức rõ ràng về quan điểm chính trị, về trách nhiệm đối với quê hương, với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sẵn sàng nhận nhiệm vụ do Đảng và chính quyền phân công và mong muốn được phát huy năng lực, sở trường, đóng góp sức lực, trí tuệ vào quá trình phát triển chung của tỉnh. Phần lớn trí thức có tinh thần nỗ lực, vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; rèn luyện đạo đức, lối sống. Nhiều đề tài, dự án KHCN đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công trong thực tiễn, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho sản phẩm; đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và mức sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn những hạn chế nhất định: một số ngành, địa phương chưa thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết; chưa quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu KHCN; thiếu những đề tài, dự án KHCN có giá trị cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, văn học - nghệ thuật… Hoạt động của đội ngũ trí thức còn mang tính cục bộ, thiếu tính liên ngành, thiếu sự liên kết giữa trí thức trong các tổ chức KHCN với trí thức trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh,…
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương, và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu kỹ và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết và Chương trình hành động về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với đội ngũ trí thức; phải thật sự coi trọng việc phát triển đội ngũ trí thức có trình độ cao, chuyên môn giỏi theo phương châm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, xem đây là một trong những nội dung lãnh đạo chủ yếu, là nhiệm vụ then chốt của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền. Quan tâm phát triển đội ngũ trí thức từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp.
Tăng cường đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các đơn vị sự nghiệp KHCN phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN phục vụ sản xuất và đời sống; đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, phòng thí nghiệm thực hành… cho các trường học và dạy nghề; đầu tư trang thiết bị y khoa hiện đại cho các bệnh viện, trung tâm y tế. Tiếp tục rà soát, bổ sung, xây dựng chính sách thu hút đội ngũ trí thức có trình độ cao, chuyên môn giỏi ngoài tỉnh về công tác tại tỉnh, cũng như các chính sách nhằm động viên, phát huy năng lực của đội ngũ trí thức hiện có.
Lê Thành