Tỉnh Bình Thuận – 50 năm thực hiện di chúc của Người về xây dựng Đảng

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một Văn kiện Đảng đặc biệt quan trọng, mang giá trị liên thành, chứa đựng những tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin của Nguời. Vấn đề xây dựng Đảng không chỉ được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng trong suốt cuộc đời làm cách mạng, mà trước lúc đi xa, Người càng quan tâm, giành nhiều tâm huyết nhất. Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, ngày 19-8-1989, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung uơng Đảng (khoá VI) ban hành Thông báo số 151 công bố với toàn Đảng, toàn dân một số vấn đề liên quan đến Di chúc và thời gian Nguời qua đời.

Thời gian qua thực hiện Di chúc của Người, từ năm 1990 đến nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, phấn đấu đạt những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới. Năm 1990, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có tổ chức đảng, sau khi chi bộ xã Gia Huynh (huyện Tánh Linh) được thành lập. Số lượng đảng viên phát triển từ 10.328 đồng chí (năm 1991) tăng lên 35.726 đồng chí (tháng 6-2019); từ 638 tổ chức cơ sở đảng (năm 1991) sắp xếp, củng cố, sáp nhập lại còn 492 tổ chức cơ sở đảng (tháng 6-2019)([1]). Qua các kỳ đại hội kể từ khi tái lập tỉnh Bình Thuận (năm 1992) đến nay, Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, củng cố đoàn kết, tăng cường quan hệ giữa Đảng và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp. Từ năm 1990 đến 2019, Đảng bộ tỉnh triển khai nhiều đợt sinh hoạt chính trị, cuộc vận động nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Những năm 1990-1991, Tỉnh ủy triển khai cuộc vận động củng cố Đảng trong toàn Đảng bộ. Các cơ sở Đảng tiến hành phê bình và tự phê bình nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất mặt mạnh, mặt yếu, tìm ra nguyên nhân tồn tại, xác định nhiệm vụ chính trị, vai trò, chức năng lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ, chấn chỉnh các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, quản lý và kiểm tra đảng viên. Qua đánh giá, phân loại có 92,8% đủ tư cách, 4,8% vi phạm tư cách và 2,4% (250 đảng viên) không đủ tư cách bị xoá tên, hoặc khai trừ, đưa ra khỏi Đảng.  

Tháng 9-1992, Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 03 thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII) về “một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, chỉ đạo các cấp ủy đảng tiến hành củng cố cơ sở Đảng, nhất là các cơ sở trọng điểm và cơ sở yếu kém, gắn với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, đơn vị. Qua đó, tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên có chuyển biến. Cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hàng năm tăng, nhiều nơi xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm trong cấp ủy cụ thể hơn, duy trì được nề nếp sinh hoạt; có chú ý phân công công tác và tạo điều kiện giúp đỡ đảng viên làm tốt nhiệm vụ.  

Tháng 7-1999, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng và triển khai Chương trình hành động số 26 “thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng”; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tổ chức tự phê bình, phê bình. Các cấp, các ngành thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc, thằng thắn; phát huy dân chủ, khắc phục tính hình thức, chiếu lệ trong sinh hoạt tư tưởng của nhiều cấp ủy và cơ sở Đảng. Nhờ vậy đã phát huy được mặt mạnh, giữ vững phẩm chất cách mạng của Đảng bộ; ngăn chặn, hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ.  

Tháng 2-2007, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính thức được triển khai trong toàn Đảng bộ. Qua cuộc vận động, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cán bộ, đảng viên có chuyển biến; xuất hiện ngày càng nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, sản xuất, kinh doanh, bảo vệ an ninh Tổ quốc… Cuộc vận động trở thành cuộc sinh hoạt chính trị khá sâu rộng, lôi cuốn được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tác động tích cực đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tháng 1-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ra Nghị quyết Trung ương 4 về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Các cơ quan, đơn vị tập trung khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ rõ qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình; triển khai những việc cần làm ngay, nêu rõ từng công việc cụ thể, phân công thực hiện và quy định thời gian hoàn thành.

Từ năm 2015 đến nay, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần nâng cao ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; bước đầu khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa đầy đủ, nặng về tập trung, dân chủ nội bộ và ngoài xã hội chưa được phát huy đúng mức; đấu tranh phê bình và phê bình chưa trở thành ý thức thường xuyên trong sinh hoạt Đảng. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05 - CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị  ở một số cơ quan, đơn vị có biểu hiện chưa đặt công tác xây dựng Đảng ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chưa chú trọng đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những khuyết điểm, hạn chế qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Việc thực hiện Chỉ thị số 27 - CT/TU, Chỉ thị số 30 - CT/TU và Chỉ thị số 40 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XII) ở một vài nơi chưa nghiêm túc, vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, phải xử lý kỷ luật.

Thực hiện công tác xây dựng Đảng trong thời gian đến, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền quán triệt tư tưởng đoàn kết, quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc của Người. Từ đó, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng, tiếp tục từng bước đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, kèn cựa địa vị, cục bộ cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ trong cán bộ, đảng viên. Tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh cần đưa các vấn đề của Di chúc vào trong sinh hoạt chi bộ định kỳ hàng tháng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; Chuyên đề năm 2020 “tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ”, nhằm góp phần khẳng định và phát huy những giá trị trường tồn của Di chúc về công tác xây dựng Đảng. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trước hết trong cán bộ lãnh đạo các cấp về Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), thực hiện nghiêm túc, kịp thời sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được xác định, xây dựng cơ quan, đơn vị trở nên trong sạch, vững mạnh./.

 


([1]) Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.


Các tin khác